Thứ Bảy, 28 tháng 3, 2009

FIAT DÂNG LỄ TÂN NIÊN MÙNG 4 TẾT – THỨ NĂM 29.1.2009 VỚI MÁI ẤM THANH TÂM

Mái Ấm Thanh Tâm
do các soeurs Dòng Đức Bà Truyền Giáo phụ trách
năm nay đón Tết với 16 bà mẹ trẻ và 16 em bé tý hon
còn trong bào thai hoặc đã chào đời.


Các bạn Trong và ngoài FIAT,
nhận được thông tin này trên Blog FIAT
có thể cùng cha Quang Uy đến hiệp dâng Thánh Lễ Tân Niên
và cầu nguyện cho chương trình Bảo Vệ Sự Sống.


Mái Ấm Thanh Tâm, địa chỉ số 40 đường Bến Cát,
Phường 7, Quận Tân Bình, Sài-gòn,
vào lúc 19g45 tối hôm nay, mùng 4 Tết, thứ năm 29.1.2009.


Bạn nào chưa biết nhà, có thể đến
Nhà Thờ DCCT Kỳ Đồng lúc 19g15 để cùng đi.

Sau Thánh Lễ chắc không thể thiếu phần hai mát lạnh
với một chầu kem tưng bừng !

Thứ Sáu, 27 tháng 3, 2009

“XIN CHA CHO CHÚNG CON HẰNG NGÀY... THẤT NGHIỆP !”




“XIN CHA CHO CHÚNG CON
HẰNG NGÀY... THẤT NGHIỆP !”


Xin thưa ngay là chúng tôi, nhiều bạn trẻ, nhiều anh chị em tông đồ trung niên, cả nhiều Linh Mục và Nữ Tu nữa, đang nỗ lực làm việc cho chương trình Bảo Vệ Sự Sống, vẫn thầm cầu nguyện bằng Kinh Lạy Cha quả đúng là vậy: “Xin cho chúng con hằng ngày... thất nghiệp”.


Ơ, sao lại thế ? Chuyện gì lạ vậy ?

Cũng cần nhắc lại là khoảng ba chục năm ngược về trước, Kinh Lạy Cha của chúng ta đã được đọc trong cả thế kỷ là: “Xin Cha cho chúng con hằng ngày dùng đủ...” chứ không phải đọc như bây giờ là: “Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày...” ( dịch từ bản Latinh: “Panem nostrum quotidianum da nobis hodie” ).

“Lương thực hằng ngày” là kiểu nói không ra Tây mà lại hoàn toàn xa lạ với ngôn ngữ bình thường của người Việt Nam. Ngẫm nghĩ thấy con cái trong gia đình chúng ta nó hay níu áo ba nó mà kêu: “Bố ơi, cho con xin chiếc bánh...”; “Bố ơi, cho con xin bát cơm...” chứ ai lại văn chương kềnh càng đến mức: “Cha ơi, cho con xin lương thực...” 


Nhưng thôi, chúng tôi không có ý viết bài này để phân tích, phê bình và tranh luận về các bản dịch Kinh Lạy Cha, nhưng chúng tôi muốn nhắm đến chuyện khác, cũng là xin, xin với Chúa là Cha, và xin một điều cũng hết sức thiết thực như xin cơm ăn áo mặc hằng ngày. Đó là chuyện Bảo Vệ Sự Sống !


Chúng tôi muốn nói đến một nghề mới hình thành ở Việt Nam cách đây không lâu, khoảng 17 năm nếu tính Huế là nơi ra đời Nhóm Bảo Vệ Sự Sống đầu tiên. Gọi tạm là nghề vậy thôi, chứ nghề gì mà không ăn lương, nghề gì mà không cần huấn luyện và đào tạo, nghề gì mà chẳng thấy ghi trong Tự Điển Bách Khoa Nghề Nghiệp ? 


Tuy nhiên vẫn có thể gọi đây là nghề, vì người làm nghề này cần phải trung thành làm một công việc đều đặn mỗi ngày, đúng giờ, đúng nơi, đúng chỗ, lại phải thinh lặng mà làm, không bô lô ba la ồn ào. Nghề này, xét ra, gặp rất nhiều rủi ro, có thể bị ngộ nhận, bị gây khó dễ, lại có thể bị nhiễm độc mà chẳng cơ quan nào chịu trả phụ cấp độc hại và bồi thường bằng bảo hiểm y tế !


Vâng, ấy là “nghề” đi góp nhặt và quy tập các... thai nhi bị giết mỗi ngày tại các điểm phá thai, y tế công cũng như phòng mạch tư, rồi đem về một nơi kín đáo mà lo hậu sự.  


Các địa chỉ “sát sinh” này bây giờ ngày càng tăng, nhiều lắm, ở cấp thành phố đương nhiên là nhan nhản, có khi tập trung thành cả dãy phố như ở Hà Nội, có khi được thông tin giới thiệu công khai như ở Sài-gòn, có khi treo bảng to đùng ngoài cổng như ở các tỉnh. Xuống đến cấp huyện, cấp quận, cả đến cấp xã, cấp phường cũng có, núp bóng trạm xá. Dưới đồng bằng và duyên hải cũng có, mà cũng có cả trên cao nguyên. Và đừng quên các loại phòng khám, phòng mạch các bác sĩ và cả bọn... lang băm !


Các địa chỉ “Văn Hóa Sự Chết” ấy cứ mọc lên, hoạt động sầm uất một thời gian, là y như rằng, lại cũng hình thành luôn một nhóm những anh chị em đầy hy sinh thiện chí, tình nguyện đi thu gom xác thai nhi để đem về tẩm liệm rồi chôn cất hoặc đem thiêu rồi táng vào một nơi như một cái lăng, một nghĩa trang, một “Đất Thánh” hẳn hoi. Nghĩa tử – nghĩa tận !


Nhưng tại sao lại “xin cho chúng con hằng ngày... thất nghiệp” ? Ai làm nghề gì thì cũng mong có công ăn việc làm, buôn may bán đắt, nhất là cầu sao cho có việc để làm liên tục đều đặn, cứ tăng trưởng dần dần lên để thu nhập ngày càng nhiều hơn. Chứ ai lại đi cầu nguyện sao cho... sớm được thất nghiệp bao giờ ? Vậy mà, với nghề nhặt xác các em bé bị giết thì mọi sự đảo ngược, lộn nhào.

Có hôm một bạn giáo viên sau khi từ trường về, ghé đến bệnh viện, âm thầm kín đáo xách lấy cái bọc nylon màu đen rồi đem về Góc Xót Thương ở cuối hành lang Trung Tâm Mục Vụ DCCT Sài-gòn của chúng tôi. Xong xuôi, bạn ấy ghé vào văn phòng, ngồi xụp xuống ghế, dáng vẻ mệt mỏi, rũ rượi, khuôn mặt buồn xo, xin một cốc nước lọc rồi buột miệng than thở: “Hôm nay con buồn quá bố ơi, phá thai nhiều quá, có lẽ cả túi phải đến 3 ký với hàng trăm em...” Rồi hôm khác, cũng bạn ấy, đẩy cửa vào là reo to vui vẻ: “Hôm nay con mừng quá bố ơi, chỉ có vỏn vẹn 5 cháu !”


Lại có chuyện một bạn trẻ của chúng tôi tối nào lúc 20g30, mưa gió hay không, cũng đều về Nhà Dòng chúng tôi để thu tập toàn bộ các bọc nylon đen đựng thai đã được các anh chị em khác góp nhặt từ nhiều địa chỉ phá thai khu vực Sài-gòn. Em ấy lom khom ở góc Xót Thương, bỏ tất cả vào một cái balô to, cẩn thận ôm trên tay xuống lầu, cặm cụi một người một xe gắn máy đem về cho một thầy DCCT chúng tôi sẽ lo hậu sự vào lúc nửa đêm. 


Công việc tận tụy suốt mấy 4, 5 năm nay rồi, bỗng một hôm vô tình trên đường về, bạn gái ấy gặp một tu huynh trẻ. Thầy ấy hỏi thăm đi đâu, làm gì, chở cái bọc chi mà to thế ? Cô bé trả lời: Dạ thưa thầy xác các bé thai nhi ạ. Ông thầy cười ồ lên vẻ chế nhạo: Ơ sao mày ngu thế ? Người ta ăn ốc, mình lại đi đổ vỏ ! Chỉ một câu thế thôi, cô bé sụp đổ, khủng hoảng hoàn toàn !


Nghe bố mẹ em thuật lại, chúng tôi giận lắm, định đi tìm cái anh tu huynh của Dòng nào đấy để “xử lý” chứ không thì tức lắm. Không ngờ cô bé đã vượt qua được cơn sốc ấy rồi, thôi không muốn to chuyện làm gì. Chúng tôi cứ ngẫm nghĩ: Ừ, tội nghiệp cô bé, tội nghiệp cả nhóm các anh chị Tông Đồ Giáo Dân nữa, cái nghề chi mà kỳ cục thật ! Mong sao có ngày nào đó thôi không còn phải làm như thế này nữa. Thất nghiệp là mừng !


Mới đây, trên đường từ Nam Định về lại Hà Nội để bay vào Nam, chúng tôi được ghé vào thăm một nghĩa trang Anh Hài mới hình thành. Chỉ vỏn vẹn 40 ngày thôi mà nơi đây đã chôn cất được hơn 200 thai nhi. Một nhóm các anh chị lo thu nhặt tại thành phố, chuyển dần về vùng nông thôn này, cách xa mấy chục cây số đường nhựa và thêm 4, 5 cây đường đất đá đầy ổ gà. Đến phiên các anh chị ở đây xúm lại lo tẩm liệm chôn cất thật ân cần chu đáo, cứ như đang lo hậu sự cho chính một thi hài người thân trong gia đình mình. 


Khi cùng nhau đứng bên ngôi mộ tập thể các thai nhi, tự nhiên chúng tôi bật lên lời cầu nguyện: “Lạy Chúa, thật lòng anh chị em chúng con làm cái nghề BVSS này ai cũng mong rồi đến một lúc chúng con được... thất nghiệp. Bao giờ thưa Chúa ?”


Mà thôi, chắc cái ngày ấy còn xa. Trước mắt, cứ xin cho riêng việc nhặt xác thai nhi mỗi ngày được giảm dần số lượng chứ đừng có tăng lên. Thỉnh thoảng mà lại có ngày đi về tay không, thì coi như ngày ấy thất nghiệp, mừng mừng tủi tủi vì bớt đi được một số cháu bé nào đó không bị giết !


Chuyến đi miền Bắc giảng Đại Phúc lần này, ngoài tin tỉnh Nam Định đã có được Nghĩa Trang Anh Hài từ ngày 10 tháng 2 năm nay, chúng tôi còn biết một Nghĩa Trang khác vùng quê nghèo huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên, cũng vừa mới hình thành vào Chúa Nhật 15 tháng 3 vừa qua. Đến khi vừa trở vào Nam hôm 20 tháng 3, các bạn trẻ Nhóm Fiat đến hẹn với chúng tôi đến Chúa Nhật 29 tháng 3 này cùng về một tỉnh miền biển để dâng Lễ “khánh thành” một ngôi mộ tập thể cho các cháu...


Trời ơi, vui buồn lẫn lộn. Mà buồn có lẽ nhiều hơn !


“Lạy Cha chúng con ở trên Trời... Xin Cha cho chúng con được hằng ngày thất nghiệp... Amen !”

Lm. QUANG UY, DCCT, Sài-gòn Chúa Nhật 22.3.2009              

    


Thứ Ba, 10 tháng 3, 2009

AI SẼ CỨU VỚT TÔI ?




Đã hơn một tháng rồi, sau ngày trao tặng cho anh thứ quý giá nhất của đời con gái, tôi chưa thấy lại chu kỳ kinh nguyệt của mình. Trong cơn say tình tôi đã không ý thức được những gì có thể xảy ra sau đó... Nếu ngây thơ không phải là một tội thì cũng là một cái nợ. Tôi bắt đầu thấy lo khi đã gần hai tháng mà không thấy “người bạn” đồng hành mỗi tháng một lần của mình...
Một buổi chiều lê từng bước mệt mỏi từ chỗ dạy thêm về nhà trọ, tôi nằm vật xuống giường và thiếp đi lúc nào không hay. Tôi đã mơ một giấc mơ quái đản. Tôi thấy mình bồng trên tay một bé gái xinh xắn. rồi cuộc đời bé như một cuốn phim chạy nhanh qua tâm tưởng tôi. Một thoáng tôi thấy mình đang dắt bé đi chơi, bé tung tăng cười đùa. Rồi bỗng nhiên bé dừng lại và nhìn tôi tha thiết với ánh mắt van nài. Bé cầm lấy tay tôi, hai hàng nước mắt chảy ra và bé nói: "Mẹ đừng bỏ con mẹ nhé..."
Tôi giật mình tỉnh dậy, hốt hoảng sợ hãi. Có lẽ do mình quá lo lắng về “chuyện ấy” nên mơ sảng vậy thôi chăng ? Tối đó ăn cơm xong, tôi soạn bài rồi đi ngủ sớm. Khi vừa chợp mắt, làm như có một sức mạnh vô hình nào đó lại cuốn phăng tôi vào đúng cơn ác mộng đó... Tôi bật dậy, mồ hôi đổ ướt vầng trán. Tôi tự hỏi như vậy nghĩa là sao ?
Sáng hôm sau, trên đường đi dạy học về, tôi ghé tiệm thuốc Tây mua hai que thử thai, kết quả lần đầu báo dương tính, tôi không tin và thử lại, kết quả lần thứ hai cũng không có gì thay đổi. Tôi thấy lo lắng thật sự và gọi điện cho anh ấy đến ngay. Tôi cho anh biết kết quả và chờ đợi ở anh một điều gì đó. Thật không ngờ, anh đứng bật dậy, tròn mắt nhìn tôi và ấp úng: “Em... em phải, phải... bỏ thôi !”
Tôi lặng người nhìn anh không nói, trong đầu tôi quay cuồng tự hỏi: "Tại sao không phải là tính ngay đến chuyện đám cưới mà lại là... mình phải... bỏ thôi ?" Anh bắt đầu dịu giọng và phân tích cho tôi hiểu cái câu hỏi tại sao ấy trong đầu tôi. Cuối cùng, anh đã thuyết phục được tôi rằng: "Hãy đợi thêm hai năm nữa khi công việc của anh ổn định, em cũng ra trường có việc làm đâu ra đấy, lúc đó tụi mình sẽ cưới nhau và sinh những đứa con của tụi mình..."
Chiều hôm sau anh đưa tôi đến một phòng mạch bác sĩ tư. Nghe gọi đến tên, tôi lê bước vào phòng mà không ý thức được chuyện gì sẽ xảy đến với mình sau đó. Tiếng lạch cạch của những thứ kim loại va vào nhau, tôi thấy đau, rất đau, dường như có gì đó đang cắn xé trong tôi. Tiếng máy ù ù bên tai càng làm tăng sự đau đớn và khiếp sợ, nước mắt tôi ràn rụa và tôi thiếp đi không còn biết gì nữa...
Và rồi đúng lúc mơ mơ màng màng ấy, tôi gặp lại đứa bé. Đứa bé vẫn đang nắm lấy tay tôi, nó nhìn tôi tha thiết, bắt đầu khóc và kêu la thất thanh: "Mẹ ơi, đau quá... Cứu con, mẹ ơi... cứu con !" Tôi thấy thân mình đứa bé như đang tan ra thành một vũng lầy nhầy màu đỏ tươi... Tôi hét lớn và bật dậy. Tôi thấy anh đang ngồi bên cạnh. Tôi ôm chặt lấy anh và khóc lức nở...
Tôi đòi ra viện trở về phòng trọ không lâu sau đó. Mỗi ngày anh đều đến thăm tôi sau giờ đi làm, có hôm còn ở lại cả đêm để chăm sóc tôi, còn tôi thì mỗi ngày một trở nên trầm lặng, sự hiện diện của anh cũng chẳng làm cho tôi khuây khỏa bao nhiêu. Tôi đã nghĩ rất nhiều và tôi rất hối hận, một sự hối hận muộn màng.
Tôi luôn tự hỏi mình "Tại sao ? Tại sao tôi lại giết chết chính đứa con của mình ? Tại sao đứa trẻ biết được là tôi sắp giết nó ngay từ lúc tôi mới phát hiện ra sự tồn tại của nó trong tôi ? Và tại sao tôi không cứu lấy con mình khi nó cầu cứu tôi ? Hàng ngàn lý do cho những việc tôi làm đó, nhưng lý do chinh có lẽ là do tôi không có đủ tình yêu thương, tôi đã hèn nhát và ích kỉ.
Tôi sống trong tình trạng khủng hoảng trầm trọng, tôi luôn thấy khuôn mặt, hình ảnh của đứa bé quay cuồng trong đầu mình, lúc là hình ảnh bé đang cười đùa, lúc lại là một vũng máu, có lúc tôi thấy bé bay lên với đôi cánh thiên thần và nói với tôi rằng: "Con yêu mẹ". Tôi không xứng đáng với tình yêu của bé, tôi đã tự nguyện chấp nhận để người ta giết con mình. Tôi không xứng đáng là một người mẹ !
Nghĩ về con, tôi lại nghĩ về anh, nghĩ về tất cả những gì đã xảy ra, những lời anh nói với tôi rằng: "Lúc đó tụi mình sẽ có những đứa con của tụi mình". Chẳng lẽ đây lai không phải là con của chúng tôi sao ? Bỗng dưng, tôi nhận ra anh không còn quan trọng đối với tôi nữa. Tất cả giờ đây chỉ còn lại trong tôi một niềm ân hận xót xa vô bờ.
Tôi phải bỏ ngang đại học, bỏ dạy thêm để về quê tĩnh dưỡng. Lúc đầu anh cũng hay lặn lội về thăm tôi vào những ngày cuối tuần, nhưng sau thì thưa dần và rồi không thấy anh về nữa. Không một lời nói, không một lời chia tay, lặng lẽ anh bước ra khỏi cuộc đời tôi, bỏ lại tôi với nỗi đau không bao giờ xóa được.
Một hành động thiếu suy nghĩ, đã làm tôi mất tất cả. Mất con, mất người yêu, cũng không còn được học hành... Và điều bất hạnh lớn nhất chính là tôi đã mất đi sự bình an trong tâm hồn. Nỗi cô đơn dày vò ân hận này sẽ còn theo tôi mãi trong cuộc đời sao ? Ai sẽ cứu vớt tôi ? Ai sẽ giúp tôi chuộc lại tất cả ?
HẠNH PHÚC MONG MANH, tháng 3.2006


Thứ Bảy, 7 tháng 3, 2009

GÓC XÓT THƯƠNG





Hôm qua, tôi nhận được điện thoại từ một Linh Mục trẻ miền Bắc gọi cho tôi, thông tin ngắn ngủi về một trường hợp mang thai ngoài ý muốn trong tình trạng độc thân và bị bỏ rơi, người con gái kém may mắn đó đã được nâng đỡ, an ủi và trợ giúp, có chỗ tựa nương, quyết định giữ lại đứa bé và chuẩn bị đón cháu chào đời. Chúng tôi cùng cảm tạ Thiên Chúa và cầu nguyện cho nhau, cầu nguyện cho một dự án khởi đầu tốt đẹp, hiệu quả và tiến triển theo ý Chúa.
Trong dịp ra Hà Nội dự tang lễ Đức Hồng Y Phaolô Giuse Phạm Đình Tụng, tôi được gặp gỡ và nghe chia sẻ những thao thức của anh em. Tệ nạn phá thai và lạm dụng tình dục trong lứa tuổi thanh thiếu niên rất phổ biến, bao lâu nay anh em khắc khoải, đau xót, cố gắng làm những gì mình có thể làm được để góp phần phục hồi phẩm giá con người, nhưng mục vụ quá bề bộn, nhu cầu Dân Thiên Chúa mỗi ngày một gia tăng, căng thẳng, bao nhiêu công sức phải lo giải quyết ngay những nhu cầu mục vụ hàng ngày, anh em không đủ diều kiện để hình thành một chương trình khả dĩ tổng quát và dài hơi cho lãnh vực Bảo Vệ Sự Sống. Nay thì anh em muốn quy hoạch lại chương trình mục vụ, quan tâm đến lãnh vực Bảo Vệ Sự Sống nhiều hơn và muốn sắn tay áo, nhập cuộc cho một định hướng bền vững hơn.
Tôi hoàn toàn ủng hộ và sẵn sàng cộng tác với anh em những gì có thể làm được, tôi sẵn sàng chia sẻ với anh em và đồng hành với anh em trong lãnh vực này, một lãnh vực mà tôi tin rằng Chúa đã gieo vào lòng tôi nỗi trăn trở nhiều năm tháng và một quyết tâm đeo đuổi không mệt mỏi từ mấy năm nay. Tôi vui mừng và cảm tạ Thiên Chúa vì Lòng Thương Xót của Ngài, Lòng Xót Thương của Thiên Chúa luôn cuồn cuộn chảy trong Giáo Hội, thôi thúc Giáo Hội và thôi thúc lương tâm từng người để đón nhận và để Lòng Thương Xót đó được trào tràn ra cho mọi người.
Qua nhiều năm anh em chúng tôi trong Sài-gòn cộng tác với nhau làm việc, mỗi ngày mỗi kinh nghiệm thêm, mỗi ngày mỗi vững vàng thêm, nhìn lại một quá trình đi qua, chúng tôi nhận ra điểm nổi bật của vấn đề, đó là Lòng Thương Xót của Chúa. Lòng Thương Xót của Chúa trên từng anh em chúng tôi, và Lòng Thương Xót của Chúa nơi từng con người chúng tôi có cơ duyên gặp gỡ.
Trước kia, khi chưa nhận sứ vụ Linh Mục, nhiều khi tôi nghĩ về mục vụ giải tội, thấy hay hay, háo hức mong mau cho đến ngày lãnh sứ vụ để được ngồi giải tội, nghe tội thiên hạ xem nó ra làm sao. Bây giờ làm Linh Mục hai mươi năm rồi, chẳng phải như mình đã nghĩ, mỗi lần ngồi Tòa Giải Tội, trong tôi nặng trĩu một nỗi buồn. Buồn vì thân phận con người của anh em mình sao tội nghiệp quá, sự tội đè nặng và làm cho mình bị tù tội mất tự do, buồn vì chính thân phận đó lại cũng là thân phận của mình, với những lỗi lầm khôn nguôi, day dứt.
Tội nghiệp Chúa quá, tội nghiệp tình thương chẳng có bến có bờ ! Mênh mông hơn biển cả để từng con sóng vội vàng xóa đi lầm lỗi của chúng sinh. Mỗi lần rời khỏi Tòa Giải Tội, tôi như lê đi những bước nặng nề, mệt mỏi vì ngồi lâu đã đành, lại mệt mỏi nhiều hơn vì trăn trở sao mà anh em mình đau khổ đến vậy, “trên hai vai ta đôi vầng nhật nguyệt”. Có cách nào giải thoát không ? Những giây phút cầu nguyện sau đó làm tôi vơi đi nỗi buồn, tôi biết Chúa đã phủ Lòng Thương Xót của Ngài trên tôi, trên anh em tôi.
Chương trình Bảo Vệ Sự Sống của chúng tôi bắt đầu từ một ngôi nhà nhỏ, ngôi nhà mang tên một vị Thánh khiêm nhường của Dòng Chúa Cứu Thế, Thánh Giêrađô, đón nhận những chị em bị bỏ rơi trong hoàn cảnh đặc biệt về trú ngụ, nương tựa vào tình thương của Chúa để tập sống yêu thương, một kiểu yêu thương mới, yêu thương là tận hiến, là cho đi. Nhưng để có thể tìm kiếm chị em đang bị rơi vào hoàn cảnh đó, chúng tôi cậy dựa vào nhóm anh chị em Giáo Dân nhiệt thành với Sự Sống, đồng cảm và đồng chí hướng với chúng tôi, bằng đời sống cầu nguyện.
Nhóm anh chị em này giăng ra ở khắp nơi để tìm kiếm những mảnh đời bất hạnh, tìm được rồi thì mang ngay về cho anh em Linh Mục chúng tôi. Không có chỗ, anh em chúng tôi đã gặp gỡ họ ngay ở hành lang Nhà Giáo Lý, lỏng chỏng một cái bàn cũ kỹ và vài chiếc ghế sứt mẻ. Thế nhưng chính tại nơi tuềnh toàng này, chúng tôi chứng kiến Lòng Thương Xót của Chúa tỏ hiện một cách lạ lùng. Từng tâm hồn cuồng loạn được hồi sinh bất ngờ tại “Góc Xót Thương” này, từng con người như đã chết, Lòng Xót Thương của Chúa làm cho họ thấy được niềm vui. Mọi thứ ngôn ngữ của loài người như thừa thãi ở nơi đây, chỉ còn sự chiêm ngắm, chỉ còn sự gặp gỡ, chỉ còn ơn Thánh tồn tại và tái tạo thôi.
Anh em chúng tôi kinh nghiệm được rằng: Chúa sẽ làm và làm tất cả nếu chúng ta để cho Chúa làm, đừng làm thay và đừng giành việc của Chúa, bởi mình không thể thay Chúa và càng không thể... làm Chúa. Lòng Thương Xót của Chúa bao trùm tất cả và len lỏi nỗi xót thương đó đến tận cùng hang hóc của tâm hồn con người.
Say mê với công việc của mình, anh chị em Giáo Dân không chỉ tìm kiếm những con người bị bỏ rơi mang về, nhưng bằng tất cả những cố gắng, mỗi ngày anh chị em còn mang về cả những hình hài bé nhỏ bị lôi ra khỏi lòng mẹ, bị bỏ rơi và bị vứt đi...
Các thai nhi chất chồng trong cái Góc Xót Thương bé nhỏ đó. Mỗi ngày, có những giọt máu rỉ ra khỏi cái bao nhựa, ứa ra dưới lòng chiếc khạp tròn đặt dưới chân tượng Đức Mẹ được gọi tên là Mẹ các Thai Nhi, làm cho Góc Xót Thương càng đậm đà thêm tình Thương Xót. Ở đó Chúa thi thố tình thương của Ngài, Chúa xóa đi bao nhiêu vết tội, Chúa chữa lành bao tâm hồn tan vỡ, Chúa hàn gắn bao mảnh đời nát nhàu. Mỗi ngày, Chúa như mời gọi thêm những kẻ gian nan tìm đến, soi đường thêm cho những ai lầm lạc được trở về, làm rõ thêm Lòng Xót Thương cho những ai chân thành tìm kiếm.
Chín năm trôi qua, anh em chúng tôi vào ra bên “Góc Thương Xót”, lúc nào cũng trầm mặc khói hương, lúc nào cũng lấp ló những chiếc bao màu đen bất hạnh, nhưng lúc nào cũng sáng một niềm Tin, niềm Trông Cậy. Chúng tôi hiểu rằng chẳng có gì được thực hiện, được tồn tại mà chẳng bởi Lòng Thương Xót của Chúa, chính Lòng Chúa Xót Thương đã dẫn dắt từng người chúng ta.
Chương trình Bảo Vệ Sự Sống đã được hình thành từ “ngọn”, có nhiều người bảo với chúng tôi như vậy. Đón nhận, chữa lành, nâng đỡ, sẻ chia… tất cả đều tốt, nhưng tốt hơn là hãy giúp nhau để giáo dục thế hệ trẻ, để huấn luyện các đôi hôn nhân, để ngăn ngừa sự tan vỡ gia đình, dừng lại cơn thác loạn của loài người, chận đứng những thế lực tham lam tận diệt anh em, vì đó mới là cái “gốc”. Vâng, chúng tôi “bé nhỏ nghèo hèn”, một lần nữa quyền năng xót thương theo chúng tôi trên muôn nẻo đường phục vụ, chúng tôi lại cố gắng nhiều hơn nữa để làm luôn cái phần “gốc” của Bảo Vệ Sự Sống cho nó trọn vẹn.
Có một nhóm anh chị em bác sĩ, y tá hộ sinh đến giúp chúng tôi, vất vả cơm áo gạo tiền không làm cho các anh chị nản chí. Chúng tôi bảo nhau kiên nhẫn miệt mài nhả tơ, chúng tôi rong ruổi mọi nẻo đường, nói với các bạn trẻ bằng đủ mọi “ngôn ngữ” rằng: Sự Sống là quà tặng vô cùng quý giá của Thiên Chúa ban cho con người, hãy quí trọng Sự Sống, vì xót thương con người nên Thiên Chúa tặng ban cho con người Sự Sống, chúng ta cùng nhau tạ ơn Chúa.
Một tin vui: cuối tháng 2 vừa qua, mới có thêm ở Sài-gòn một nhóm các bạn trẻ mang tên FIAT tự nguyện dấn thân cho chương trình Bảo Vệ Sự Sống. Các bạn đã được anh em chúng tôi cùng các bác sĩ tập huấn căn bản, cầu nguyện, tĩnh tâm, xin Chúa sai đi, và đến đầu tháng 3 này các bạn đã nhập cuộc.
Chia sẻ những suy tư này, tôi xin được mời gọi mọi người gần xa hãy tham gia Bảo Vệ Sự Sống, bảo vệ Lòng Xót Thương của Thiên Chúa, xin dâng cho nhau một lời kinh, xin chia cho nhau một hy sinh nhỏ bé, để Lòng Xót Thương của Thiên Chúa toả lan khắp nơi.
Lm. VĨNH SANG, DCCT, Mùa Chay năm 2009


Thứ Hai, 2 tháng 3, 2009

CHUYỆN CON BÒ, CON TRÂU, VÀ... CON NGƯỜI !


Trên báo Tuổi Trẻ số ra ngày thứ ba 25.7.2006, có một bài viết rất ngắn, ngắn đến nỗi tưởng là sẽ chìm nghỉm giữa những thông tin, những phóng sự, những bài phỏng vấn chiếm nhiều cột báo, không ngờ nội dung và ngòi bút đơn sơ nhẹ nhàng nhưng lại gây xúc động sâu xa. Bài viết mang tựa đề thật lạ lùng “Bò mẹ đã ngất” khiến người mới liếc qua không thể nào đoán được nội dung câu chuyện tác giả Lê Thế Thành muốn nói gì.


Xin mời mọi người cùng đọc thật chậm, đừng vội mà bỏ sót từng chi tiết, từng câu, từng từ:


BÒ MẸ ĐÃ NGẤT


Cô bé ấy khoảng 14, 15 tuổi sôi nổi kể chuyện với bà mẹ đang ngồi bên chị gái cô ở Bệnh Viện Phụ Sản: “Mẹ biết không, con bò mẹ nó ngất”. Tôi theo bạn vào thăm vợ anh mới sinh con gái ngồi ở giường bên cạnh lập tức phải chú ý đến một thông tin khá giật gân như thế. Bà mẹ thì không nói gì nhưng cô chị có vẻ không tin ra mặt, cô nhỏ nhẹ nói: “Mày có hâm không đấy ? Bò làm sao mà ngất được !”


“Em này, chính em thấy này – cô bé càng sôi sục trước vẻ ngờ vực của cô chị – chị biết không, nhà chú Hùng mua con bê của bác Bằng làm đám cưới cho chị Thoa. Nhưng kéo thế nào con bê cũng không chịu đi. Chú Hùng phải mượn con bò mẹ dẫn đi trước để con bê đi theo.


Khi mẹ con con bò đến nhà chú Hùng, mấy người buộc cổ con bê tại gốc mít. Đến lúc này, dắt thế nào con bò mẹ cũng không chịu đi. Nó xoạc chân ra để không ai lôi được. Người ta bèn vật con bê ra làm thịt ngay trước mặt con bò mẹ.


Con bò mẹ ò ò kêu lên mấy tiếng. Nó nhìn chăm chăm vào con nó đang bị làm thịt, tự nhiên nó quị xuống rồi lăn quay ra đất. Nó bị ngất, bốn chân như bơi bơi trong không khí. Nhà chú Hùng phải đốt rơm, quạt khói một lúc lâu con bò mẹ mới tỉnh lại. Nó cúi đầu lững thững một mình đi ra cánh đồng...”


Cô bé đột nhiên ngưng bặt. Mấy người ở trong phòng cũng lặng đi. Cô chị mặt thẫn thờ. Riêng tôi cứ cay cay nơi sống mũi và hình dung con bò mẹ vật vã khi nhìn thấy con bê con giãy giụa.


Bước lại gần, tôi xoa đầu cô bé, em ngước nhìn tôi đôi mắt trong veo: “Cháu thương bò con, bò mẹ”. Tôi gật đầu nói với em: “Chú cũng tin là con bò mẹ đã ngất !”


Ở trên chúng tôi đã có nói nguyên do xin đăng lại bài viết “Bò mẹ đã ngất” này là vì chúng tôi thấy nó rất có liên quan đến chuyện Bảo Vệ Sự Sống. Vâng, thật vậy, cũng đã có một chuyện hao hao tương tự, không phải chuyện con bò con bê mà là chuyện con trâu. Số là năm 2005, trong dịp mừng kính Thánh An Phong sáng lập DCCT, đồng thời khánh thành Nhà Thờ Pleichuet dành cho người dân tộc trên Tây Nguyên, ngày 31 tháng 7, cha Nguyễn Đức Thịnh và cộng đồng anh em Jrai ở đó đã quyết định tái hiện Lễ Hội Giết Trâu để tế Trời ( tiếng Jrai là Trum gơbau ).


Lễ Hội lần ấy để lại những ấn tượng sâu đậm, có phần kinh khiếp nơi nhiều người chứng kiến tận mắt hoặc chỉ nghe kể lại. Trong Lễ Hội Giết Trâu, máu con trâu tế sát đã văng tung toé cả một khoảnh sân rộng. Do một trục trặc kỹ thuật mà con trâu tội nghiệp ấy đã không được chết thật nhanh sau khi bị đâm trúng tim như người ta dự kiến. Ai ai cũng thấy chạnh lòng xót xa thế nào ấy.


Và thế là sau đó dư luận lên án thật sôi nổi gay gắt. Lý lẽ đơn giản là vì thời buổi văn minh hiện đại rồi, ai lại còn hồi phục làm gì một chuyện cúng tế “man di mọi rợ” như thế ? Phía ủng hộ và chủ trương thì cũng có lập luận kiên quyết dựa trên việc dấn thân hội nhập vào nền văn hoá bản địa Jrai để đòi cho được một thái độ trân trọng với những người tuy là thiểu số nhưng vẫn là anh em con cùng một Cha trên Trời với người Kinh chúng ta... Bất phân thắng bại, chỉ tiếc là sự hiếu hảo các bên với nhau do sự kiện xôn xao chấn động này cũng đã bị sứt mẻ đi ít nhiều.


Riêng với anh em chúng tôi, dịp ấy, lại không có mặt tại Pleichuet, chỉ nghe kể về sự việc và phản ứng râm ran trong dư luận, chúng tôi chợt thấy câu chuyện “đụng chạm” mạnh đến thảm kịch nạo phá thai.


Mấy anh em lo Bảo Vệ Sự Sống chúng tôi bảo nhau: Ừ nhỉ, người ta đã có thể rùng mình kinh hãi trước hình ảnh con trâu tội nghiệp bị chặt đứt nhượng ở bốn chân cho quỵ xuống rồi lấy dao thọc vào thẳng tim cho chết, thì sao người ta lại có thể thản nhiên vô cảm trước một sự việc còn khủng khiếp hơn, dã man hơn, đó là chuyện phá thai: bác sĩ dùng từng que tròn inoxidable nong vào cửa tử cung, rồi cho đồ nạo, cho dao, cho kéo thọc sâu vào trong mà ngoáy, mà nạo, mà cắt, mà lôi từng phần thân thể của một em bé đã tượng hình đầy đủ từ trong bụng người mẹ ra bên ngoài...


Có lẽ tại vì Lễ Hội Giết Trâu kéo dài lâu hơn, lại diễn ra sờ sờ trước mắt hàng ngàn người trong bầu khí cồng chiêng ì ùng thúc giục dồn dập như trong một cuộc xử tử lăng trì, tùng xẻo hoặc voi dày ngựa xé khiến cho người ta bị kích thích và bàng hoàng khiếp sợ hơn, trong khi chuyện phá thai lại diễn ra rất kín đáo với chỉ mấy người có mặt trong phòng Kế Hoạch Hoá của một bệnh viện hoặc một phòng mạch bác sĩ lang bam nào đó, lách cách dao kéo trong dôi ba phút, lâu lắm cũng chỉ một khắc đồng hồ.


Hơn nữa các mảnh bào thai bị cắt vụn sau đó được đem đổ xuống cống hoặc thiêu như một thứ rác y tế. Chẳng ai thấy, chẳng ai biết, hoạ may có một số rất ít được khéo léo chuyển ra ngoài cho các bạn nhóm Bảo Vệ Sự Sống xin về lo “hậu sự”.


Kết thúc, người phụ nữ vừa phá thai xong, nằm nghỉ được một chút thì phải buộc ngồi dậy nhường chỗ cho người khác, mặc lại y phục rồi lẳng lặng lê bước chân trở về nhà, câm nín, đau trên thân xác, đau trong tâm hồn, chỉ khóc thầm, chẳng dám kể cho ai nghe, một mình mình lại thương mình xót xa !


Cứ thế, cứ thế, một chuyện xứng đáng được coi là “man di mọi rợ” của chính những con người tự nhận mình là văn minh hiện đại, lại cứ diễn ra xoành xoạch, ào ạt, lũ lượt tại các bệnh viện phụ sản, tại các trung tâm mang danh xưng là “Bảo Vệ Bà Mẹ và Trẻ Em”, tại các phòng mạch tư của các bác sĩ đã từng long trọngöôøi tuyên đọc lời thề Hippocrates.


Một ngày riêng Sài-gòn đã gần 1.000 ca như thế. Một ngày cả Việt Nam hơn 8.000 ca như thế. Thống kê cả năm toàn quốc thì con số lên đến gần 3 triệu bào thai bị giết như thế, đưa đất nước chúng ta đứng vào hạng 3 nước vô địch thế giới về phá thai.


Vậy thì những ai đã từng ớn lạnh rùng mình mà lên tiếng phản đối chuyện Lễ Hội Giết Trâu tế Trời, xin hãy dành ra khoảng 10 phút để ngồi xuống trước máy computer, chậm rãi và bình tĩnh truy cập địa chỉ sau đây www.abortiontv.com/Movies/hardtruth.htm và sẽ xem được một thứ Lễ Hội kinh khủng rùng rợn hơn nhiều, bởi người ta không giết con trâu mà chính là giết một em bé.


Mà nếu như quý vị không có máy nối mạng ADSL thì xin hãy tin chúng tôi, chúng tôi không hề dám bịa chuyện giựt gân đâu, sự thật có ở quanh chúng ta, sát bên chúng ta, chỉ tại nó đã bị bưng bít che giấu hoặc thờ ơ lảng tránh quá khéo léo mà thôi.


Xin cám ơn tác giả Lê Thế Thành của bài viết trên báo Tuổi Trẻ. Anh chỉ mô tả là câu chuyện xảy ra trong một bệnh viện phụ sản, giữa những người phụ nữ có lẽ vừa mới sanh xong, ngồi bên những người thân yêu mới vào thăm; anh chỉ thuật lại những lời nói hồn nhiên ngây thơ của một em bé mới 14, 15 tuổi gì đó; anh chỉ đặt cho bài viết một cái tên thật cụn ngủn là “Bò mẹ đã ngất”; anh chỉ tâm sự rằng anh thấy cay cay ở mắt khi hình dung ra cái cảnh con bò mẹ vật vã khi thấy con bê giãy giụa... Vâng, chỉ ngần ấy thôi, anh đã giúp cho người đọc chúng tôi phải chạnh lòng xót xa...


Đâu phải chuyện con trâu, con bò, con bê nữa nhỉ...


Lm. LÊ QUANG UY, DCCT
 

BẢO VỆ SỰ SỐNG © 2008. Design By: SkinCorner