Thứ Tư, 22 tháng 4, 2009

BÌNH AN CỦA CHÚA GIÊSU GIÀU LÒNG THƯƠNG XÓT

Vậy là lần này tôi được chính thức mời tham dự Đại Hội Lòng Chúa Thương Xót do cha Nguyễn Trường Luân và anh em DCCT chúng tôi ở Long Beach, Cali, tổ chức. Nhiều người quen biết ngạc nhiên thấy tôi đi được sang đây bình an, tôi nói đùa: “Khi về cũng được bình an nữa mới thật sự là... bình an !”
Năm nay nội dung bài thuyết giảng ban tổ chức Đại Hội đề nghị với tôi là Bảo Vệ Sự Sống. Có lẽ một phần vì đây là vấn đề đang nóng hổi tại Việt Nam, kiều bào mình ai cũng hết sức quan tâm. Lại nữa, bầu khí nước Mỹ cũng đang sôi lên không chỉ chuyện kinh tế suy thoái mà còn cả chuyện Obama đang nghiêng hẳn về phía Pro-Choice, chống lại Pro-Life.
Tôi có được khoảng hơn 60 phút để trình bày đề tài: “Nhờ lòng Chúa xót thương, chúng ta được thứ tha, được chữa lành và được sai đi trong bình an”. Dữ liệu hình ảnh tôi chắt bóp thu nhặt nhiều năm trong Mục Vụ Bảo Vệ Sự Sống tại Việt Nam, nay cô đúc lại, ngồi computer sắp xếp trọn một ngày đêm thì được một Slide Show 76 tấm để nói chuyện và 89 tấm để chiếu thường trực trên màn hình Tivi.
Bài nói chia làm 3 phần, mỗi phần có một chìa khoá Tin Mừng, một câu chuyện có thật để minh chứng, một vấn nạn đặt ra sát sườn, một xác tín vào lòng Chúa xót thương và một lời cầu nguyện được hát lên, lặp đi lặp lại thành một tâm niệm chân thành.
Hằng năm, thống kê Nhà Nước Việt Nam cho biết từ năm 2006: có khoảng 1,4 đến 2 triệu ca phá thai, thật ra, con số bây giờ có thể lên đến hơn... 3 triệu ca. Trung bình cứ khoảng 6 giây lại có một em bé bị giết. Việt Nam trở thành một trong 3 nước ( Top Three ) có tỷ lệ phá thai cao nhất thế giới cùng với Trung Quốc và Bangladesh. Số bào thai bị giết bắt đầu cao hơn số em bé được sinh ra...
Riêng tại khu vực thành phố Sàigòn, Nhóm BVSS của DCCT đã trung thành từng ngày trong suốt 5 năm qua thu nhặt được hơn 200.000 xác thai nhi đem về để trân trọng lo hậu sự, táng tro cốt vào từng viên gạch đúc sẵn và chuẩn bị khi nào thuận tiện thì xây dựng thành một Lăng Anh Hài lớn, nằm trong khuôn viên một khu Tĩnh Tâm ngoại thành Sàigòn...
Ngoài ra, một vài vị Giám Mục, khá đông các Linh Mục quản Xứ, và rất nhiều các Dòng Tu nam nữ cũng đã cùng với đông đảo anh chị em Giáo Dân tình nguyện trong các Nhóm BVSS khắp các Giáo Phận lần lượt mở ra các Nghĩa Trang Anh Hài tại rất nhiều tỉnh thành:
Miền Bắc như Thái Nguyên, Hà Tây, Hà Nam, Nam Định, Hà Nội...
Miền Trung như Nghệ An, Hà Tĩnh, Vinh, Huế, Đà Nẵng, Quy Nhơn...
Vùng Tây Nguyên như Pleiku, Buôn Ma Thuột, Lâm Đồng, Đà Lạt...
Và ở miền Nam như Nha Trang, Bình Thuận, Đồng Nai, Biên Hoà, Sàigòn, Bà Rịa-Vũng Tàu, Cần Thơ... ( Ảnh chụp một hũ cốt thai nhi được cất giữ trong hang đá Đức Mẹ một Giáo Xứ ở tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu trước khi được đưa xuống huyệt mộ ).
Tôi có mạn phép trưng dẫn một lá thư đẫm nước mắt của một cụ bà 75 tuổi xin được ẩn danh, nay đang sống xa quê hương, đã ghi lại và trao tận tay trong một lần tôi đến thăm cụ. Cụ đã viết như một lời trần tình với chính đứa cháu nội không được sinh ra của mình:
“Ngày 28.12.2006, Lễ các Thánh Anh Hài thì bố mẹ cháu đi phá thai. Lúc ấy cháu đã được 7 tuần tuổi. Bà nội của cháu xin thay mặt bố mẹ cháu để xin lỗi cháu, xin cháu hãy tha thứ cho bố mẹ cháu. Cháu cũng hãy cầu xin Chúa tha thứ cho bố mẹ, thánh hoá bố mẹ để bố mẹ biết sám hối lỗi lầm. Mẹ cháu muốn có con trai mà đến khi có cháu thì lại đi huỷ diệt, vì vậy nên bà nội đặt tên cho cháu là Antôn... Thôi bà nội chào cháu, cháu nhớ cầu nguyện cho bà. Bà của cháu...”
Tôi rùng mình tự hỏi và hỏi thay cho mọi người, cho người Việt mình, cho cả nhân loại đang bị cuốn vào cơn lốc nạo phá thai, rằng: Với những tội lỗi bi thảm và kinh hoàng như thế, chúng ta có còn cơ may nào để được Thiên Chúa thứ tha hay không ? Và ngay lập tức tôi xác tín: Nhờ lòng Chúa xót thương, chắc chắn chúng ta vẫn được thứ tha nếu biết hoán cải thật sự. Vẫn còn kịp, không quá trễ đâu !
Đoạn Tin Mừng tuyệt vời Lc 15, 20 – 24 là bằng chứng: “Người con còn ở đằng xa, người cha đã trông thấy. Ông chạnh lòng thương, chạy ra ôm cổ anh ta và hôn lấy hôn để. Bấy giờ người con mới nói rằng: “Thưa cha, con thật đắc tội với Trời và với cha, chẳng còn đáng gọi là con cha nữa...” Nhưng người cha liền bảo các tôi tớ rằng: “Mau đem áo đẹp nhất ra đây mặc cho cậu, xỏ nhẫn vào ngón tay, xỏ dép vào chân cậu, rồi đi bắt con bê đã vỗ béo làm thịt để chúng ta mở tiệc ăn mừng ! Vì con ta đây đã chết mà nay sống lại, đã mất mà nay lại tìm thấy”.
Và tôi sẽ ôm đàn ghita mời cộng đoàn Đại Hội cùng hát lời cầu nguyện rất ngắn, hát đi hát lại cả chục lần như ở Taizé người ta đã hát thiết tha da diết: “Lạy Chúa, xin Ngài xót thương, cho con được Ngài tha thứ, giải thoát con khỏi bóng đêm, giải thoát con khỏi u mê”.
Phần hai, tôi xin khoe một chút. Đúng hơn, chẳng có gì đáng khoe ở đây. Có hay ho vui vẻ gì mà khoe ! Các nơi khác, các Dòng khác người ta cũng đang làm, nhưng âm thầm, không muốn được nêu lên rồi sẽ bị địa phương hạch xách khó dễ, rách việc. Thôi thì tôi chỉ xin đơn cử chuyện nội bộ Nhà Dòng mình đã cố gắng làm trong mấy năm qua mà thôi:
Chỉ riêng với DCCT Sàigòn, từ khi mở ra Nhà Tình Thương Giêrađô năm 2003, thành lập Nhóm BVSS Sàigòn năm 2005, rồi lại mở thêm Nhà Tình Thương Sarnelli năm 2006, đến nay, tháng 4 năm 2009 đã có 246 cháu bé được cứu trong đường tơ kẽ tóc, có khi sát ngay trước lúc phá thai ở bệnh viện, được đưa về chăm sóc, được sinh ra và nuôi dưỡng tại 2 mái ấm nêu trên. Ngoài ra, còn khoảng 700 cháu bé khác được cha mẹ, ông bà đón nhận ngay trong gia đình mình, không bị bức tử nữa !
Như vậy, Lòng Chúa Xót Thương thì vẫn xót thương từ lâu rồi, nhưng con người chúng ta đã biết thế rồi thì cũng phải mở lòng ra mà cộng tác với ơn Chúa, nghĩa là cũng biết tập xót thương. Mỗi người ở mỗi cương vị: người thì lên tiếng cảnh báo, người thì giang tay bảo bọc, bản thân người thai phụ và gia đình của mình, cả mấy anh đàn ông là “tác giả” cũng biết mềm lòng ra mà can đảm đón nhận Quà Tặng Sự Sống Thiên Chúa đã muốn trao cho mình !
Và đấy là tác động chữa lành từ phía Thiên Chúa. Vâng, tôi sẽ lại cùng xác tín chung với mọi người rằng: Nhờ lòng Chúa xót thương, chắc chắn chúng ta sẽ được Ngài chữa lành. Thiên Chúa chữa lành chúng ta bằng cách giúp chúng ta cũng biết xót thương như Ngài. Không chỉ có một Trái Tim biết xót thương mang tên Giêsu, mà thật ra đã có và sẽ có thêm hàng ngàn vạn, hàng triệu trái tim mang tên tôi, mang tên anh chị, mang tên mỗi người chúng ta cũng biết xót thương như Ngài.
Và giữa lòng Đại Hội, như ngày xưa Ngôn Sứ Êdêkien đã làm với dân Do Thái, hôm nay, tôi cũng sẽ dạo đàn để mọi người cùng hát lên nhiều lần lời tâm nguyện: “Xin ban cho chúng con hôm nay Trái Tim Xót Thương của Chúa. Xin ban cho chúng con hôm nay Trái Tim Xót Thương của Ngài”.
Cuối cùng, ở phần thứ ba, tôi muốn nhấn mạnh rằng: sau khi Chúa Giêsu đã thứ tha, đã chữa lành cho chúng ta, Ngài không để chúng ta thụ động ù lì, loanh quanh luẩn quẩn một chỗ mà nhấm nháp thưởng thức một mình Món Quà Lòng Thương Xót của Ngài đâu, Ngài sẽ bảo với chúng ta: “Bình An cho anh em. Như Chúa Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai anh em !”
Chúa Giêsu sai chúng ta ra đi bằng Thánh Thần, với Thánh Thần, và trong Thánh Thần. Điều này thật rõ ràng ở cuối mỗi Thánh Lễ. Sai đi chứ không phải là giải tán như nhiều người lầm tưởng. Sai đi y như một vị thống soái đã chiến thắng Sự Chết một cách oai hùng, giờ đây lại sai các chiến sĩ quả cảm của mình lên đường dấn thân vào cuộc chiến Bảo Vệ Sự Sống.
Thánh Lễ bế mạc Đại Hội Lòng Chúa Xót Thương lần thứ 9 này tại Long Beach cũng thế, Đức Tổng Giám Mục Sứ Thần Nguyễn Văn Tốt ở Costa Rica cũng sẽ long trọng sai chúng ta: “Thánh Lễ đã xong, anh chị em ra đi trong Bình An của Đức Kitô, để kính mến và phụng sự Thiên Chúa, để xót thương và phục vụ mọi người. Halleluya, Halleluya !"
Bản thân tôi, nhận lấy Bình An quý báu ấy, chắc chắn nay mai tôi sẽ quay về lại quê hương trong Bình An, tiếp tục nỗ lực Bảo Vệ Sự Sống với anh chị em của mình. Dẫu có bị... gì gì đi nữa thì tâm vẫn cứ Bình An. Bình An viết hoa đàng hoàng, Bình An của Chúa Giêsu giàu Lòng Xót Thương chứ đâu phải thứ bình an tầm thường theo nghĩa thế gian !
Chưa bắt đầu vào Đại Hội mà tôi đã mường tượng và nghe văng vẳng trong lòng bài ca Kinh Hoà Bình: “...Xin thương ban xuống những ai lòng đầy thiện chí, ơn An Bình.”
Lm. QUANG UY, DCCT, Long Beach, Cali
thứ bảy 18.4.2009, áp Lễ Lòng Chúa Thương Xót

“LÒNG MẸ BAO LA NHƯ BIỂN THÁI BÌNH...”


Năm nào cũng vậy, vào dịp lễ Mẹ Hằng Cứu Giúp, trong Nhà Dòng chúng tôi có rất nhiều việc phải làm, ngoài những chuẩn bị mừng lễ cho cộng đồng Dân Chúa, chúng tôi có hàng loạt các lễ khấn lại hằng năm, lễ khấn lần đầu, lễ khấn vĩnh viễn, lễ phong chức Linh Mục...
Trong những ngày tất bật như vậy, các trường hợp cứu những thai nhi khỏi bị phá vẫn dồn dập mang về cho chúng tôi. Càng dấn sâu vào trong hoạt động này chúng tôi càng gặp những tình huống đặc biệt, từ đó càng cho thấy chúng tôi lúng túng vì không được trang bị đủ các kiến thức cần thiết để đối phó.
Mỗi lần gặp một trường hợp xử lý mới, tôi thấy anh Quang Uy ngồi lắng nghe các chuyên viên tư vấn, lắng nghe như chính ngài là đối tượng được tư vấn, từ đó, trình độ do “học lóm” của anh được tăng lên rõ rệt. Nhờ các chuyên viên tư vấn, nhờ các bác sĩ chuyên ngành, chúng tôi khám phá ra những sự nhiệm mầu của Sự Sống. Những bước khám phá mới về Sự Sống cứ thế lại càng thôi thúc chúng tôi đi tới, giúp chúng tôi vượt qua những chán nản ngăn lối, bởi khám phá ra rằng Thiên Chúa quá nhiệm mầu, Thiên Chúa quá tuyệt vời trong việc tạo dựng nên Sự Sống.
Cách đây ba hôm bản thân tôi gặp một trường hợp khá diệu kỳ. Một buổi tối tôi nhận được một cuộc gọi, người gọi cho tôi có một giọng nói rất bình tĩnh, nhưng kinh nghiệm cho tôi biết người này đã cố gắng rất nhiều để giữ sự bình tĩnh đó, cô nhẹ nhàng cho tôi biết về nỗi tuyệt vọng của hai vợ chồng cô: cả tuần nay, hai vợ chồng đã lê chân đi các bệnh viện, cũng một chẩn đoán như nhau: thai nhi 17 tuần tuổi, siêu âm cho biết thai nhi thiếu sọ não, tim thai bình thường, và tất cả các bác sĩ đều kết luận phải trục thai ra, vì có thể thai nhi sẽ chết hoặc có thể sau này cháu bé ra đời với dị tật nặng. Cả hai tình huống đều không tốt, họ kết luận cần phải phá ngay !
Hai vợ chồng đã đau khổ làm các động tác sau cùng, đó là đóng tiền và ngày hôm sau sẽ lên mâm phá. Chiều nay về qua Nhà Thờ, như nhiều lần trong nhiều ngày qua, cả hai vào cầu khẩn Chúa thương, vì đây là đứa con đầu lòng, đây là đứa con của tình yêu, như sau này người vợ cho tôi biết: “Con không thể giết con của con khi tim thai vẫn còn đang đập”. Bất ngờ hai vợ chồng gặp được Linh Mục, sau khi nghe giãi bày, người Linh Mục cho số điện thoại của tôi và khuyên nên gọi cho tôi để được giúp đỡ. Và tôi đã có được cuộc gọi đêm hôm ấy.
Tôi đang chuẩn bị cho một chuyến đi xa khỏi thành phố, nên khuyên hai người nên chờ tôi về, với lời hứa sẽ cầu nguyện cho hai vợ chồng. Hai ngày sau chúng tôi gặp nhau, hai vợ chồng còn rất trẻ, tôi vui sướng được gặp cả hai, tôi cảm nhận hạnh phúc chạy trong huyết quản mình khi gặp hai bạn trẻ. Từng lời tâm sự về tình yêu và cuộc sống, tôi biết Chúa đã làm việc diệu kỳ trong hai bạn này.
Tôi nối ngay liên lạc với một nữ bác sĩ Công Giáo, người bác sĩ này đã cùng chúng tôi chiến đấu trên nhiều chặng đường giành giật Sự Sống, người bác sĩ am hiểu rành rẽ về y học và cũng là người cảm nhận rất sâu xa tình thương của Thiên Chúa. Sau khi xem xét các kết quả y khoa, chị chậm rãi chia sẻ với đôi bạn trẻ, từng lý luận vững chắc về y học của chị đã vực dậy nỗi tuyệt vọng nơi đôi bạn trẻ.
Chị nói về những cái ngưỡng của thai kỳ mà thai nhi phải vượt qua, cái ngưỡng 18 tuần tuổi là một trong ba cái ngưỡng ấy, chị nói về sự kỳ diệu của Thiên Chúa khi chính ngài chọn lọc cho con người để con người được làm người với những tư chất tốt nhất, chị nói về sự chưa hoàn chỉnh của trẻ sơ sinh mà ai trong chúng ta cũng thấy, đứa trẻ cần có thời gian để Thiên Chúa hoàn chỉnh tất cả mọi cơ phận của con nguời, chị nói nếu đứa trẻ ra đời mà chậm chạp hoặc thiếu một cái gì đó, thì người ta có thể nuôi bé bằng các phương tiện y khoa, ngay cả thiếu cha mẹ thì vẫn có thể có cha mẹ nuôi, nhưng ngay bây giờ, không ai có thể thay người mẹ để nuôi cháu cả, cháu hoàn toàn tuỳ thuộc vào người mẹ.
Cháu vẫn còn có cơ hội để xây dựng hộp sọ, bởi tim thai bình thường, ngay đến trẻ sơ sinh mới chào đời thì cũng đã có đủ hộp sọ đâu. Nếu cháu không thể làm người, Chúa sẽ liệu cách để cháu được nhẹ nhàng ra đi, khi đó chúng ta hành xử cũng không muộn.
Hai vợ chồng ra về trong sự bình an, sau khi đã được chỉ dẫn tận tình và tiếp tục theo dõi chặt chẽ các thay đổi của bào thai. Người mẹ lấy khăn tay chậm vội dòng nước mắt hạnh phúc nói với tôi: “Con cứ thấy nó làm sao đó khi con là mẹ mà con không cho con của con được sống nữa, con nghĩ, cho dù con của con sinh ra có khuyết tật, con thương cháu lắm nhưng con vẫn đón nhận cháu, bởi cháu là con của con”. Tôi chợt nhớ đến tựa đề của một cuốn truyện của nhà văn Lê Văn Trương trong nhóm Tự Lực Văn Đoàn: “Tôi là mẹ”, người đàn bà nhân vật chính trong cuốn truyện đã hy sinh cả đời mình cho con, chỉ vì... “Tôi là mẹ”.
Đây là lần thứ mấy rồi, tôi nhận ra có không ít các bác sĩ bây giờ kết thúc cuộc đời người ta đơn giản thản nhiên và đơn giản quá. Nếu trường hợp này “mẹ tròn con vuông”, chúng tôi lại có thêm một chứng tá sống động nữa về những quyết đoán quá vội vã và vô cảm của y học ngày nay, bởi trong quá khứ, chúng tôi đã từng vui mừng đến trào nước mắt với niềm hạnh phúc của nhiều cặp vợ chồng đã may mắn thoát khỏi những kết luận sai lầm chết người của chính những vị được mệnh danh là học rộng tài cao ( Bác Sĩ ) và nhất là buộc phải có tấm lòng từ ái bao la của một người mẹ hiền ( Lương Y như Từ Mẫu ).
Lm. VĨNH SANG, DCCT

Thứ Tư, 15 tháng 4, 2009

VÀ NHỮNG ĐIỀU THIẾU SÓT

“…VÀ NHỮNG ĐIỀU THIẾU SÓT”
 
 
Có một vài người phàn nàn với tôi, rằng cha Quang Uy cứ hay nói về chuyện nạo phá thai, chỗ nào ngài cũng nói… Tôi biết có người không thích nghe đề tài này, tôi xem ra tranh luận không đi đến đâu nên im lặng, cứ để họ tự hiểu, cãi làm gì gây... “mất đoàn kết” ! 

Tôi ước ao họ – những người kêu ca lẩm bẩm – có dịp nào đó đi từ Bắc chí Nam thăm các Nghĩa Trang Anh Hài, những nghĩa trang chôn cất các hài nhi bị phá vì cha mẹ các cháu không cho các cháu làm người. Vài năm trở lại đây, nhiều người đau xót trước tệ nạn nạo phá thai, đã lập các Nghĩa Trang Anh Hài, Nghĩa Trang Đồng Nhi rải rác khắp mọi miền đầt nước, gần như tỉnh thành nào cũng có. 

Nếu Trịnh Công Sơn cất tiếng hát “khi đất nước tôi thanh bình, tôi sẽ đi thăm, …đi xem mộ bia đầy như nấm”, thì bây giờ số mộ bia dành cho các cháu chỉ trong một năm thôi cũng bằng số mộ bia dành cho những người nằm xuống trong hai mươi năm “nội chiến từng ngày” mà ông Sơn bảo sẽ đi thăm, “nấm” thai nhi bây giờ nhiều lắm !

Tôi nghĩ nếu họ có một lần nào đó đến thăm “Góc Thương Xót” ở DCCT Sài-gòn, nơi chúng tôi “tập kết” các thai nhi mỗi ngày để lo cho các cháu, để các cháu không bị đổ vào hầm cầu, không bị bỏ xuống cống, không bị thiêu chung với “rác y tế”... Thăm từng bọc thai nhi bầy nhầy hôi thối, và nếu họ can đảm mở từng bọc ra, sẽ thấy những con người đầy đủ hình dạng nằm co quắp lềnh bềnh trong các dịch nhờn, chắc hẳn họ sẽ nghĩ khác, không trách cha Uy, không trách chúng tôi “nói nhiều” nữa. Thôi ! tại họ không biết, trách nhau làm gì !?!

Hôm qua, thứ sáu 10.4.2009, tôi bị cám dỗ ( Thứ Sáu Tuần Thánh thì đáng lẽ phải tĩnh tâm, ăn chay, và kiêng… đọc báo chứ nhỉ ? ) lướt mắt trên tờ báo Phụ Nữ, ngay giữa trang nhất, dĩ nhiên sẽ là tin quan trọng nhất: “Báo động đỏ… !” Bài của tác giả Thiên Nga và Nguyễn Cầm [1].

Tôi mạn phép chép lại một đoạn:

BÁO ĐỘNG ĐỎ "BỆNH"... NẠO PHÁ THAI
 
Các bác sĩ sản khoa gọi hiện tượng này là "bệnh", vì số người nạo hút thai hiện nay ở một số bệnh viện đã nhiều hơn số bệnh nhân đến khám vì các bệnh lý sản phụ khoa khác.
Tại các bệnh viện lớn như: Từ Dũ, Hùng Vương, Đại Học Y Dược, mỗi tháng, có từ 550 đến 600 ca nạo hút thai. Còn tại các bệnh viện ven Sài-gòn như: Thủ Đức, Tân Phú... trung bình, mỗi quý có từ 100 đến 200 ca nạo hút thai.

Có thai thì đi... giải quyết !

Ngày 8 tháng 4, chúng tôi đến bệnh viện quận Thủ Đức, Sài-gòn. Rất nhiều nữ công nhân rỉ tai nhau rằng, sau khi vỡ kế hoạch, thì hãy tranh thủ đến bệnh viện này vào giữa ca, “xử lý” xong, lại trở về đi làm tiếp. Ngồi cạnh tôi là M. ( 21 tuổi, công nhân ) hỏi: “Dính bầu hả ? Chuyện nhỏ ! 15 phút là xong, lo gì”. Rồi cô cho biết mình đã ba lần phá thai, vì đây là lần thứ tư. Vì thế, bác sĩ nào “mát tay” cô đều "thuộc". Nữ hộ sinh Lê Thị Ánh Hồng cho biết, đối tượng nạo hút thai ở đây có 75% là công nhân, 5% là học sinh, sinh viên. Những thai trên 13 tuần thường rơi vào trẻ vị thành niên.
Theo chị Hồng, những trường hợp như M. không hề cá biệt, thậm chí có người đi phá thai đến 9, 10 lần. Bác sĩ thấy mặt là phát ngán, nhưng vẫn phải thực hiện thủ thuật, vì nếu không, họ sẽ tìm đến những cơ sở bên ngoài, không an toàn...”

Con số nạo hút thai tác giả nêu lên tôi nghĩ không chính xác, cứ nhìn hình tác giả chụp thì ta có thể đoán được bao nhiêu ca một ngày, hoặc đơn giản thôi, trong hình có tới ba phòng “Thủ Thuật”, mỗi ca “15 phút là xong”, một ngày bao nhiêu giờ làm việc, đừng kể làm thêm giờ hoặc ngoài giờ ( có những ngày Nhóm BVSS Sài-gòn của DCCT chúng tôi phải chờ khá muộn mới xin được xác thai đem về, vì hôm đó có nhiều ca phá thai ) ta có ngay số ca trung bình một ngày tại một điểm, thử làm tính xem, có chắc là dưới 3.000 ca một tháng không ? 

Tôi không nghĩ tác giả dẫn chứng sai, tôi nghĩ các trung tâm đã cho tác giả con số… sai, không đúng sự thật ! Chẳng lẽ một bệnh viện lớn như Từ Dũ hoặc Hùng Vương mà mỗi ngày lại chỉ có… 20 ca ? ( 600 ca một tháng ) và bệnh viện Thủ Đức mỗi ngày chỉ có 7 ca ? ( 200 ca một tháng ) Hình chụp cho thấy đông người lắm mà !

Tôi đã chép lại một đoạn, trong đó tác giả kể về bệnh viện Thủ Đức. Thật oái oăm và chua xót, cách nay 31 năm, bệnh viện này chính là Tu Viện của DCCT chúng tôi ! Tu Viện xưa, nay trở thành nơi giết người. Dạo ấy, “người ta” đã đuổi anh em DCCT chúng tôi ra, không một mảnh giấy, không một bản án phán quyết từ bất cứ một loại tòa án nào. Và từ đó, nơi phục vụ cho Sự Sống đã trở thành nơi tiêu diệt Sự Sống, nơi học nói lời Tình Yêu trở thành “đoạn cuối Tình Yêu”, nơi gieo rắc Tình thương trở thành nơi xót xa cay đắng đến tận cùng.

Tôi muốn giải lý tại sao xã hội chúng ta ngày nay bị phân hóa và tồi tệ thế, cướp bóc giết người hoành hành, lừa đảo gạt gẫm đầy dẫy, quá nhiều hành vi phi văn hóa, xin đơn cử vài chuyện mới đây thôi: Tuyển thủ quốc gia bán độ, đánh nhau, uống rượu nhậu nhẹt say sưa, còn cổ động viên thì ném đầu chó xuống sân bóng [2], bạn trẻ bẻ vặt hoa Anh Đào trong ngày lễ hội, khách tham quan cướp phá hoa ở phố hoa giữa ban ngày [3], cướp heo đất trong ngày Tết, mọi người phóng uế bừa bãi ngoài đường, tài xế lái xe bất chấp tính mạng người khác [4]...

Khó có thể kể hết được. Tôi muốn nói cái lý do để xã hội tan hoang ra như vậy vì người ta đã đặt sai chuẩn mực đạo đức xã hội và con người, người ta đã thay những nơi, những hoạt động, những chương trình, những kế hoạch của Tình Thương bằng những nơi, những hoạt động, những chương trình những kế hoạch của Sự Chết.

Kêu ca hay trách móc chẳng dẫn đến đâu, chúng ta cùng nhau nhận trách nhiệm và chung tay xây dựng lại, phải mất bao nhiêu năm và bao nhiêu thế hệ để thay đổi một tiêu chuẩn sống ? Nhưng nếu không làm thì ai sẽ làm thay cho chúng ta ? Hội Thánh vẫn luôn có trách nhiệm lên tiếng và rọi sáng con đường của nhân loại ( xem Học Thuyết Xã Hội của Giáo Hội Công Giáo ).
Đêm nay cầm nến Phục Sinh trong tay nhắc nhớ ta điều ấy, nếu không là Ánh Sáng, cây nến cầm trên tay còn sinh ích gì ? Nếu không là muối mặn nữa, thì đổ ra đường cho người ta dẵm đạp lên chứ để mà làm gì ?!? 

Thiếu sót là một tội ! Phiền vì ngày nào cũng “kiểm” tội này nên hóa... nhàm !

Lm. VĨNH SANG, DCCT sáng thứ bảy Tuần Thánh 2009

Thứ Sáu, 3 tháng 4, 2009

CƯU MANG VÀ SINH THÀNH


Tôi xin tự thú là tôi đã có lần suýt nữa giết đi một mạng người mà Thiên Chúa đã ban cho tôi. Mỗi lần tôi mang thai thì thai nhi hành hạ tôi rất khổ sở: ăn uống không được, ngủ trằn trọc, con sinh ra rồi thì lại khóc suốt đêm, bệnh hoạn thất thường. Vì thế, khi đã có được 1 trai và 1 gái, tôi quyết định không sinh nữa.
Thế nhưng, tôi lại có thai cháu thứ ba. Thai nhi này hành hạ tôi còn nhiều hơn các cháu trước. Tôi đành phải quyết định phá thai. Tôi không dám làm công khai vì sợ cha mẹ tôi. Tôi đã âm thầm tìm cách trục thai nhi, nhưng tôi lại không thành công !
Dạo ấy, dù tôi không phải là thành phần ngoan đạo trong Giáo Hội, nhưng tôi cũng hay chạy đến cùng Chúa và Mẹ Maria. Có lẽ vì vậy mà Chúa và Mẹ Maria đã cứu giúp tôi thoát khỏi trọng tội sát nhân khi giết chính đứa con máu mủ của mình.
Cuối cùng, tôi đã sinh ra một đứa con mà tôi hết sức hãnh diện, bởi nó rất ngoan, rất chăm chỉ, lại biết tánh cha mẹ, với đặc biệt nó rất quấn quít yêu thương tôi. Tôi thật lòng hối lỗi và tạ ơn Chúa cùng Mẹ Maria. Thế nhưng, dẫu sao, tôi vẫn hay ray rứt với lương tâm mỗi khi nghĩ đến nó...
Được ơn soi sáng, tôi xin viết ra đây những giòng chữ này để cảm tạ Chúa và Mẹ Maria đã ban ơn lành cho tôi, cho chồng con của tôi. Sau nữa, tôi muốn xin những phụ nữ như tôi, hãy tránh vấp phạm những điều tôi đã vấp phạm, hay xa hơn nữa, tới cảnh giết chết bào thai con mình. Xin các chị hãy luôn nhìn lên Chúa và Mẹ Maria để tâm hồn được tràn ngập trong ánh sáng dẫn lối và ơn lành của các Ngài.
Mùa Giáng Sinh đến, chúng ta mừng Thiên Chúa đã ban cho chúng ta Đức Giêsu, trong sự hiệp thông cộng tác của Mẹ Maria, hầu cứu chuộc chúng ta. Chúng ta hãy nguyện xin Chúa Giêsu Hài Đồng và Mẹ Ma-ri-a nhân lành hãy ban ơn cho chúng ta sống theo cuộc đời các Ngài để chúng ta biết yêu thương, nhất là yêu thương con cái của mình ngay khi chúng mới còn là phôi thai !
Mùa Giáng Sinh, chúng ta thường nhắc đến sự sinh ra trong nghèo khó của Chúa Giêsu. Chúng ta ít nói đến Đức Mẹ với những đau đớn khốn khó của Ngài. Một sản phụ phải sinh đẻ tại một vùng nông thôn hẻo lánh, thiếu tất cả mọi phương tiện và nhu cầu tối thiểu. Một người đàn bà, trước khi sinh thì đau đớn biết chừng nào, và sau khi sinh thì mệt mỏi đến thế nào ?
Thế nhưng, Đức Mẹ đã sinh Chúa Giêsu nơi chuồng súc vật, không một người phụ giúp, ngoại trừ Thánh Giuse, thật khác xa với những cảnh sinh nở chúng ta thường gặp hôm nay. Trên đất Mỹ thì khỏi phải nói, những người mang thai được ưu tiên săn sóc. Nhiều cơ quan xã hội của chính phủ, các tổ chức tôn giáo, hội đoàn sẵn sàng quan tâm đến các bà mẹ ngay từ khi mới mang thai cho đến cả khi sinh đẻ...
Vậy mà chúng ta cũng đã thấy có biết bao phụ nữ hôm nay đã khước từ trách nhiệm làm mẹ của họ, một trách nhiệm trọng đại nhất mà Thiên Chúa toàn năng đã giao phó cho người phụ nữ. Vậy mà, một khi họ đã tạo ra thai nhi trong lòng mình, họ lại không ngần ngại đi phá thai, giết chết chính con mình. Không chỉ những người thiếu lòng tin tôn giáo hay vô thần, ngay cả những người theo Chúa Giêsu cũng không ít kẻ vấp phải trọng tội này !
Đức Maria cưu mang Chúa Giêsu, đã chịu cảnh hiểu lầm ngay đối với người bạn đời là Thánh Giuse khi ông chưa được Thiên Chúa soi sáng để nhận biết Ơn Cứ Độ Chúa đã ban cho nhân loại qua Mẹ. Với niềm tin vào sự quan phòng của Thiên Chúa, Mẹ đã không ngần ngại chịu đựng mọi nỗi khổ tâm. Con đường của Chúa Giêsu sẽ đi là con đường khổ giá. Con đường Mẹ đi cũng là con đường khổ ải sầu đau.
Do đó, khi nhắc đến thập giá Chúa Giêsu đã vác và chịu đóng đinh thì chúng ta phải hiểu rằng: sự kiện Mẹ mang lấy Chúa Giêsu trong chín tháng mười ngày, cùng những nỗi đau khổ mà Mẹ đã vượt qua cũng là một ơn trọng đại của Thiên Chúa ban cho chúng ta, đặc biệt là phái nữ !
Thiên Chúa đã ban cho chúng ta ánh sáng Đức Kitô và ánh sáng của Mẹ Maria để soi rọi cho chúng ta bước đi vững vàng trên cuộc đời. Những người phụ nữ luôn sống trong Đức Kitô thì không thể nào chối từ tấm gương của Mẹ, mà trái lại, phải suy gẫm về cuộc đời yêu thương của Mẹ để từ đó theo chân Mẹ mà làm tròn bổn phận cao trọng của Thiên Chúa đã trao phó.
Phụ nữ chúng ta phải tin vào lòng nhân lành yêu thương vô bờ của Thiên Chúa và Mẹ Maria, để từ đó, mỗi khi chúng ta được mang thai, thì dẫu có gặp phải nghịch cảnh thế nào đi nữa, chúng ta cũng biết chạy đến cùng Mẹ, xin Mẹ trợ giúp để chúng ta có thể làm tròn thiên chức làm mẹ...
Bài của một phụ nữ Việt Nam xin giấu tên,
hiện sống tại Hoa Kỳ, 1998

DÒNG SÔNG DÀI, BÊN LỞ BÊN BỒI...




Tối hôm nay, tôi về Nhà Dòng rất khuya, đói quá, lục đồ ăn ở nhà cơm, bị cha Giám Tỉnh bắt quả tang, tôi mới phải thành thật khai báo: các bạn trẻ Nhóm FIAT mới rủ đi xem kịch ở quán Cà-phê Bệt, số 17 đường Ngô Thời Nhiệm, Quận 1.
Quán Cà-phê thật lạ, vở kịch Sông Dài lại cực hay, xếp vào chủ đề Bảo Vệ Sự Sống là chính xác, đẫm nước mắt, đúng với phong cách cố soạn giả Hà Triều – Hoa Phượng lừng danh của Sài-gòn gần 40 năm trước.
 
Vở kịch xoay quanh câu chuyện một bé gái là hậu quả cuộc tình vụng trộm của một cô tiểu thư ông Hội Đồng với một thầy giáo làng. Bé gái không bị phá thai nhưng bị bỏ rơi, phiêu bạt, truân chuyên, được thằng Niểng liều mình cứu khỏi một đám cháy, nhưng không cứu được cô bé khỏi bị mù.


Cô Lượm lớn lên, yêu cậu Niễng bị gù lưng, khuôn mặt xấu xí bởi những vết thẹo chằng chịt do phỏng lửa cháy năm xưa. Ông Hai Tắc nghèo rớt mồng tơi, chỉ giàu mỗi tiếng đàn cò sâu vào tận đáy lòng người nghe, cũng giàu tình yêu thương cưu mang cả hai đứa nhỏ tật nguyền.

Con “Sông Dài” ngỡ bình yên trôi, bất ngờ nổi sóng khi cô Hai Sa, người trót chửa hoang năm xưa, nay giàu có thành đạt, từ Sài-gòn về quê tìm lại đứa con gái bị từ chối, quyết bù đắp lỗi lầm tuổi trẻ bằng cách đưa Lượm đi Nhựt Bổn giải phẫu cứu lấy đôi mắt.
 
Rồi đến ngày cô Lượm đui mù thành cô Diễm xinh đẹp, đã được sáng mắt, lại là con gái bà Hai Sa quyền quý. Cô không quên những người ân nghĩa trước đây, nhưng số phận cay nghiệt đẩy tất cả xa nhau.
 
Con sông dài lại đến một khúc quanh, cô Diễm tìm lại ngôi nhà và mảnh vườn xưa, chỉ còn đó hai nấm mồ trắng. Tưởng là thôi từ nay sinh ly tử biệt, không ngờ nhờ tiếng đàn cò nức nở quen thuộc, Diễm nhận ra Niểng vẫn còn sống. Niểng đã quyết học lấy ngón đàn của ông Hai Tắc để mong nói thay tiếng lòng đau xót của tình đời.

Vở diễn kết thúc. Mấy chục bạn trẻ ở Cà-phê Bệt đã khóc. Tôi cũng khóc. Tôi chạnh lòng nghĩ đến các cô gái đời Linh Mục tôi đã gặp trong mục vụ Bảo Vệ Sự Sống. Trời ơi, già thêm một chút, chắc tôi cũng cố gắng hí hoáy viết lại cuộc đời hàng mấy trăm cô gái ấy thành những kịch bản đẫm nước mắt mà cũng rộn vang những tiếng cười. 

“Sông Dài” có nhiều khúc – như bình luận của một bạn trẻ FIAT đi xem kịch chung đêm nay – có khúc khóc quá trời khóc, là do người lớn gây ra với nhau: có những cha mẹ sợ mất danh dự mà ép con gái phải phá thai, ép con trai phải ruồng rẫy người yêu, không cho cưới hỏi; có những anh con trai phụ bạc, “đã tỏ đường đi lối về” rồi thì quất ngựa truy phong; rồi có cả những anh chồng tàn nhẫn không muốn có thêm gánh nặng con cái, buộc vợ cứ có thai là phải đi phá, có khi đến cả chục lần !
 
Thế nhưng cũng con “Sông Dài” ấy khi can đảm vượt qua cái khúc quanh co éo le, nước mắt nhiều như con nước ròng, thì lại đến cái khúc hanh thông, thẳng băng chống xuồng đi băng băng giữa dòng đời vui, rộn rã tiếng con nít cười reo, bi ba bi bô.
 
Đời tu đâu có lấy vợ đẻ con, nhưng tôi và các cha, các thầy, các dì của các Dòng, ai cũng nghiệm sinh được cả hai cái khúc buồn khúc vui ấy nối tiếp nhau trong những dòng “Sông Dài” cuộc đời của các cô gái được đón về các Mái Ấm, các Ngôi Nhà Tình Thương để chăm sóc, nuôi dưỡng cho đến ngày mẹ tròn con vuông.

Liên tiếp, chỉ trong một tuần lễ tôi được dự hai Lễ Tạ Ơn ở hai ngôi nhà Bảo Vệ Sự Sống giống như thế.
Đúng ngày 25 tháng 3, ngày Mẹ Xin Vâng, tôi chủ sự thánh hiến Mái Ấm Mai Ân do các dì của 7 Hội Dòng Mến Thánh Giá Sài-gòn xúm lại chung tay chung sức ở Quận Bình Thạnh.
 
Rồi hôm nay, ngày 2 tháng 4, tôi được về huyện Bến Lức, tỉnh Long An, đồng tế với các cha, với thầy Phó Tế Vũ Thành An – người đã nỗ lực quyên góp để xây dựng nên Ngôi Nhà khang trang của Gia Đình Têrêsa.

Nhìn hình ảnh con người từng là nhạc sĩ lừng danh của những bản tình ca “Không Tên”, nay đã 67 tuổi, là Phó Tế Vĩnh Viễn bên Mỹ, dáng cao gầy, tóc bạc phơ, bế trên tay cháu bé Nguyễn Vũ Thái An chưa đầy năm, đứng trên sân khấu dã chiến, nghẹn ngào hát “Thương người như thể thương thân...”, tôi cũng đã nghẹn ngào rướm nước mắt vì xúc động.

Trời ơi, giá mà trên đời này đừng có ai phải đành đoạn phá thai, thì hàng triệu cháu bé mỗi năm sẽ được sống, sẽ được chào đời và được bú mớm nâng niu y như thế. Trên toàn cõi Việt Nam, khởi đi từ Nhóm Bảo Vệ Sự Sống ở Huế, đến nay sau gần hai mươi năm, đã có gần hai mươi Mái Ấm được các Dòng Tu ở các tỉnh thành mở ra, cưu mang được hàng mấy ngàn thai phụ và khai sanh được cho hàng mấy ngàn cháu bé.

Thế nhưng con số vui mừng rộn rã tiếng cười trẻ thơ ấy chẳng thấm thía vào đâu so với con số hàng mấy chục triệu bào thai đã bị chấm dứt Sự Sống bằng đủ mọi phương pháp nội khoa và ngoại khoa dã man !
 
Xin đừng nghĩ là tôi phóng đại các con số thống kê thiếu chứng cứ. Ấy chỉ là con số ước chừng thôi, thực tế có lẽ còn cao hơn nữa. Ở Việt Nam mình bây giờ cứ 15 phút trôi qua là có thêm một bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS. Nhưng cứ bình quân 6 giây thôi, một ca phá thai hoàn tất, nhanh, gọn, lạnh lùng, chi phí trên dưới một triệu đồng.

Nếu chúng ta đã cùng vui với cháu bé Nguyễn Vũ Thái An ở Long An, thì tôi xin mọi người cũng hãy cùng đau xót với cháu bé Lê Xin Vâng, bị giết ngày 27 tháng 3, bào thai đầu tiên mà nhóm FIAT đem từ Vũng Tầu về, đặt trong một hũ sành, chôn cất tại nghĩa trang Anh Hài của Giáo Xứ Đất Đỏ, sáng Chúa Nhật 29 tháng 3 vừa qua.
 
Khi tôi hỏi cha xứ Đất Đỏ rằng ngài có ngại chi không nếu tôi viết một bài trên mạng để ghi lại sự kiện này, ngài bảo: Chỉ mong càng nhiều người biết chuyện thì càng nhiều người ý thức hơn về Bảo Vệ Sự Sống. Và như thế hy vọng giảm đi được không ít những bi kịch phá thai.
Ngài còn nhấn mạnh: Nơi đây là mảnh đất thấm đỏ máu các vị Tử Đạo hơn 150 năm trước, nay lại được là nơi an nghỉ của các bé Đồng Nhi, âu cũng là những lời chứng hùng hồn cho Sự Sống, quà tặng vô giá của Thiên Chúa mà con người thời nay đang ngoảnh mặt từ khước.

“Sông Dài”, vâng, có một dòng sông dài của Tình Yêu, của Sự Sống, đôi bờ đã có bên lở thì lại có bên bồi...
  Lm. QUANG UY, Sài-gòn, đã sang ngày thứ sáu 3.4.2009
 

BẢO VỆ SỰ SỐNG © 2008. Design By: SkinCorner