CÔ DÂU HAY NÔ LỆ TÌNH DỤC ?
Cách đây 20 năm, lễ Song Thập ( 10 tháng 10 ) – Ngày Ðộc Lập của Ðài Loan, chúng tôi được mời đến quốc gia này như một thượng khách. Từ đảo quốc nhỏ bé, xa xôi mà Chính Phủ Ðài Loan đã tạo dựng lên một đất nước phồn thịnh, thật đáng khen ngợi. Ðài Loan, đối với tôi có những điểm rất giống Chợ Lớn năm nào. Tuy nhiên, cảnh khạc nhổ, vứt vãi, đôi co ngoài đường vẫn là một thực trạng. Dân trí chưa đồng bộ, kiến thức còn cách biệt giữa vùng quê và thành phố. Tiếp xúc với những người dân, họ ngỡ chúng tôi là người Hoa. Một người già cầm tay tôi thân mật nói: "Tội nghiệp cháu, xa quê hương lâu nên không nói được tiếng mình". Tôi đáp: Cháu là người Việt chứ không phải người Hoa. Bác nhìn tôi trìu mến và có những ấn tượng tốt về người Việt Nam.
Giữa năm 2006, tôi trở lại Ðài Loan với những nỗi buồn trăn trở. Từ phi trường về thành phố Tân Trúc, những tấm biển quảng cáo "Cô Dâu Việt Nam" đã làm tôi bức xúc. Tin tức dồn dập về thảm cảnh cô dâu Việt, công nhân Việt bị hà hiếp, chà đạp được đăng tải trên những trang báo Hoa Văn khiến lòng tôi dấy lên một niềm đau. Tôi tự hỏi: Giữa thời đại này còn có cảnh con người làm nô lệ hay sao? Hình ảnh người phụ nữ Việt Nam nết na, thùy mị, duyên dáng, đã bị bôi xóa bởi những bàn tay nhơ nhớp, thô bạo, buôn bán trên thân thể con người.
Tôi ngẫm nghĩ: Chẳng một chính phủ nào có thể làm ngơ để công dân của họ bị hành hạ, bức hiếp. Ấy thế, mà nguyên cớ nào đã dẫn đưa đến thảm trạng này ? Trên tờ Tự Do Thời Báo Ðài Loan, dưới tựa bài: "Lao Ðộng Việt Nam Bị Xúc Phạm Tình Dục – Phía Việt Nam Áp Lực Bắt Cấm Khẩu" của ký giả Vương Tấn Trung và Vương Bình Vũ tường trình có những đoạn viết: "Nhiều lao động nữ Việt Nam bị hai cha con ông Hồng Khánh Chương, môi giới Ðài Loan ở Ðài Nam, xúc phạm tình dục. Viện Kiểm Sát ( Ðài Nam ) cho biết rằng; chiều hôm qua, họ được thông báo là các nhân viên Văn Phòng Kinh Tế Văn Hóa Việt Nam tại Ðài Bắc đã tìm đến một nữ nạn nhân và áp lực cấm nữ nạn nhân này không được khai báo hay kiện cáo, không được hợp tác với ủy ban điều tra. Viện Kiểm Sát Ðài Loan đã liên lạc với phía Văn Phòng Việt Nam để làm rõ sự việc này.
Viện Kiểm Sát còn nói rằng; sau khi báo chí Ðài Loan phổ biến tin tức về vụ án này, nhân viên Văn Phòng Ðại Diện Việt Nam tại Ðài Loan, qua liên lạc với Bộ Ngoại Giao, đã gọi điện thoại cho Viện Kiểm Sát Ðài Nam tại Ðài Loan, nói lên nỗi lo ngại rằng sự việc tập thể các nữ nạn nhân Việt Nam tố cáo người Ðài Loan, sẽ gây nên những trở ngại cho quan hệ giữa hai nước Ðài Loan và Việt Nam. Ngay hôm đó, phát ngôn viên của Bộ Ngoại Giao, ông Lữ Kính Long, nói rằng; Văn Phòng Ðại Diện Việt Nam tại Ðài Loan thật sự có gọi điện thoại yêu cầu Bộ Ngoại Giao cung cấp những "giúp đỡ hành chánh" liên quan đến vụ án. Bộ Ngoại Giao cũng xét theo quy ước quốc tế, là cung cấp cho các cơ quan đại diện của các nước tại Ðài Loan những "giúp đỡ hành chánh" cần thiết, để các nước tiện việc bảo vệ các công dân của họ đang ở trên lãnh thổ Ðài Loan có được những quyền lợi căn bản. Bởi vậy, Bộ Ngoại Giao đã giúp đỡ cơ quan Ðại Diện Việt Nam tại Ðài Loan săn tìm các điện thoại liên lạc, và đã cung cấp cho họ số điện thoại của Viện Kiểm Sát Ðài Nam.
Qua sự việc này, Bộ Ngoại Giao hoàn toàn không có ý áp lực hay gây trở ngại gì cả. Tuy nhiên, ông nói rõ: Kết quả của việc liên lạc này không có gì tốt đẹp lắm, vì những việc đó liên quan đến Bộ Lao Ðộng. Bởi vậy, chúng tôi đã chuyển giao tất cả hồ sơ cho Bộ Lao Ðộng giúp đỡ, xử lý.
Liên quan đến Văn Phòng Ðại Diện Việt Nam tại Ðài Loan. Khi các ký giả gọi điện thoại hỏi thăm về những sự việc này, thì Văn Phòng Kinh Tế Văn Hoá Việt Nam tại Ðài Bắc từ chối bình luận.
Có 4 nữ nạn nhân tìm đến Nhà Thờ của cha Nguyễn Văn Hùng ( ảnh kèm theo ở đầu Entry ) ở Ðào Viên nhờ sự giúp đỡ. Họ được tổ chức Luật Sư Trợ Giúp Pháp Lý liên lạc với Viện Kiểm Sát Ðài Nam để tố cáo hành động cưỡng dâm của hai cha con ông Hồng Khánh Chương và Hồng Minh Dụ, chủ nhân của Trung Tâm Môi Giới Trung Hữu tại Vĩnh Khang – Ðài Nam. Ngay sau đó, có ít nhất 30 lao động nữ đứng ra tố cáo. Họ cho biết: Con số nạn nhân có thể lên đến cả 100 người.
Ông Trương Nghị Xướng, chủ nhiệm Viện Kiểm Sát Ðài Nam và ông Trần Kiến Hùng, Kiểm Sát Viên đã chỉ huy tổ cảnh sát hình sự bắt giữ cha con ông Chương và ông Dụ. Tiếp theo, Viện Kiểm Sát Ðài Nam đến tìm gặp một nữ nạn nhân Việt Nam ở thị trấn Thiệu Hoá, Ðài Nam để hỏi thêm nội vụ nhưng không thể lường được. Trước đó, một nhân viên của Văn Phòng Kinh Tế Văn Hóa Việt Nam tại Ðài Bắc đã tìm đến nạn nhân này để làm áp lực. Yêu cầu: "Không được kiện cáo, không được hợp tác với tổ điều tra, chỉ giải hòa và lấy tiền bồi thường là được rồi..."
Khi đọc lá thư lên tiếng ( 27.4.2006 ) của ông Võ Văn Kiệt, cựu Thủ Tướng Việt Nam gửi cho bà Hà Thị Khiết, Chủ Tịch Hội Liên Hiệp Phụ Nữ Việt Nam về vụ tờ báo CHOSUN Nam Hàn đăng bức hình cô dâu Việt Nam quỳ dưới chân mấy người Hàn Quốc: "Hỡi các hoàng tử Hàn Quốc hãy đưa em về nhà đi". Tôi rất căm phẫn và đồng tình với ông Võ Văn Kiệt: "Ai có trách nhiệm phải gìn giữ truyền thống phụ nữ Việt Nam. Và ai là người có trách nhiệm nỗi nhục này..."
Ðến những quốc gia Á Châu, nhất là những vùng ven biên. Tôi không khỏi xót xa. Tình cờ, tôi gặp được một người phụ nữ Việt Nam, tên Nguyễn Thị..., 34 tuổi quê ở Hải Dương, bị bán sang Trung Quốc năm 1998. Hiện chị đang sống ở một vùng quê hẻo lánh ở tỉnh Côn Minh. Chị kể cho tôi nghe: Nhà quá nghèo, phải cần có 700 đô Mỹ để lo chữa bệnh cho cha già. Chị đang có 4 người con, nhưng chị không biết các con của chị bố cháu là ai ? Chị chỉ biết rằng; chị đang làm vợ của 5 ông chồng nông dân là: Ông Nội, Ông Cha, Ông Con, Ông Chú, Ông Cậu. Hàng ngày, hàng đêm, chị phải hầu hạ họ.
Tôi đề nghị giúp chị một số tiền chuộc thân và đưa chị về lại Việt Nam, nhưng chị từ chối. Chị nói: "Anh giúp tôi một số tiền như vậy là tốt lắm rồi. Tôi về Việt Nam để làm gì nữa anh, xấu hổ lắm! Thực trạng. Muốn hay không muốn, tôi vẫn là mẹ của 4 đứa con tôi".
Tôi xúc động trước câu nói phi thường của chị. Tôi thấy mình thật nhỏ bé. Tôi lặng người một lúc rồi từ biệt chị. ( Luật bên Trung Quốc mỗi gia đình tối đa là 2 người con. Nhiều gia đình vì muốn có con trai nên khi đứa đầu là gái thì họ thả trôi sông. Trường hợp những gia đình ở vùng quê có nhiều con là vì họ không đăng ký hộ khẩu và chính quyền ở đó không màng đến những người nghèo khổ ).
Ðất nước của tôi sao lại có những người khốn cùng như vậy. Mỗi một cô dâu, mỗi một công dân "tha phương cầu thực" ở nước ngoài đều có chung một số phận đáng thương. Họ vì quá nghèo. Họ vì hy vọng đem lại cho bản thân và gia đình một chút gì khả quan hơn nên liều lĩnh đánh đổi cuộc sống. Ða số rơi vào tình cảnh bi thương. Còn lại, rất ít người may mắn được một người chồng thật sự - một công việc tốt đẹp như họ mơ nghĩ.
Tại Ðài Loan, hiện nay có trên 100 ngàn cô dâu - công nhân Việt Nam, so với năm 1999 chỉ có 21 người. Hầu hết cô dâu là người miền Ðồng Bằng Sông Cửu Long, còn công nhân là người miền Bắc, quê ở Nghệ Tĩnh - Thanh Hóa... Ê chề nhất là cảnh "chợ người", hầu hết là các cô gái Việt Nam. Như một hoạt cảnh trên sân khấu, các cô lôi kéo, ẻo lả, xô đẩy khách làng chơi. Dù bị xỉ vả, xua đuổi, khinh bỉ... các cô vẫn cam tâm chịu đựng. Những khu siêu thị "chợ người", phồn thịnh nhất là những chợ ở biên giới: Bàng Tường, Móng Cái, Lào Cai... Trung Quốc.
Những cô gái Việt Nam thật tội nghiệp. Họ còn rất trẻ và có nhan sắc. Hàng ngày, đọc tin trên các báo Ðài Loan, nhan nhãn những chuyện cô dâu – công nhân Việt Nam bị bạc đãi, tôi thấy ức lòng chừng nào. Chủ nhật đi ngang qua nhà thờ, tôi thấy người Phi đi xem lễ và tập họp rất đông đảo. Họ cười nói, khuôn mặt vui vẻ. Thân phận của họ cũng là một công nhân, nhưng sao không bị bạc đãi ? Vì họ được sự bảo vệ của chính phủ Phi Luật Tân. Và vì những công ty môi giới ở Phi đã làm đúng trách nhiệm của một công ty tuyển dụng người đi lao động ở nước ngoài. Còn các công ty môi giới của chúng ta ở trong nước thì họ bất kể người làm việc được quyền lợi gì. Họ chỉ cần kiếm được mối lợi nhuận là xong.
Dùng từ công nhân cho phù hợp, chứ thực ra số người đi lao động bên Ðài Loan làm hãng, xưởng bao nhiêu người, toàn là đi làm thuê, mướn cho những ông chủ tâm địa ác độc – bệnh hoạn. Họ chuyền tay nhau, như chuyền một con "mồi" béo bở. Từng ngày này qua ngày khác, từng ông "chủ" này hành hạ, đến ông chủ kia hãm hiếp. Như trường hợp chị PTT, 28 tuổi quê ở Nghệ An, trong một tháng phải đi làm thuê cho 8 ông chủ. Chị bị họ luân phiên hãm hiếp mà không dám khai báo vì công ty môi giới giữ hộ chiếu và giấy tờ của chị ( luật bên Ðài Loan, nếu không có giấy tờ tùy thân sẽ bị giam giữ ). Họ còn hù dọa sẽ trục xuất chị về Việt Nam. Chị lo ngại không trả được số tiền mà gia đình vay mượn để lo cho chị đi lao động, nên đành câm lặng.
Tờ báo Apple Daily Taiwan ( Quả Táo ) đã nêu ra biết bao nhiêu trường hợp như vậy. Nhiều công ty môi giới ở Việt Nam đã gián tiếp, trực tiếp và tiếp sức với những công ty môi giới bên Ðài Loan bóc lột công nhân đi lao động. Một người khi đi lao động ở nước ngoài, tiền vé máy bay, tiền "nghĩa vụ", thủ tục này thủ tục nọ lên đến vài ngàn đô Mỹ, nên khi họ gặp những chuyện bức bách, họ không dám lên tiếng.
Trách nhiệm này, những cơ quan "chủ quản" người lao động phải gánh chịu một phần. Ở những nước khác, khi một công nhân lao động ở nước ngoài, họ phải giám sát kỹ lưỡng. Công ty môi giới phải xác định được nơi làm việc của công nhân mình. Quyền lợi, lương bổng, chế độ làm việc, bảo hiểm như thế nào. Ðâu thể, chỉ "xuất" người là xong.
Có một số tổ chức lao động – du lịch – văn hóa ở trong nước khi đưa người ra nước ngoài tham quan, du lịch, làm việc hay cầm giữ hộ chiếu của họ. Viện cớ "bảo quản" – ngăn chận những ai có "ý đồ" ở lại. Cách đó, hoàn toàn sai. Nếu họ có ý định ở lại, hộ chiếu không phải là giấy tờ hợp lệ để họ có quyền tạm cư. Nhưng khi giữ hộ chiếu sẽ gây rắc rối cho việc đi lại, dẫn đến tình trạng bất ổn cho đương sự. Tốt nhất, khi có người ra nước ngoài, tổ chức đó phải giải thích quyền lợi của họ. Khi gặp những sự việc không may, nơi nào họ có thể tiếp xúc để nhận được sự giúp đỡ. Cách làm việc của các công ty môi giới trong nước, phải được "quản lý" chặt chẽ hơn.
Riêng tại Ðài Loan, tổ chức thiện nguyện của cha Nguyễn Văn Hùng có in một cuốn "Sổ Tay Cho Người Ði Lao Ðộng Tại Ðài Loan". Người lao động đến Ðài Loan làm việc nên có cuốn cẩm nang chỉ dẫn này để khi gặp bất trắc có thể kêu cứu.
Hai tháng qua, tôi suy nghĩ thật nhiều. Làm thế nào để cứu giúp, để xoa dịu những cô dâu, những công nhân Việt Nam bất hạnh. Vết thương lòng tôi như đang rỉ máu. Là người Việt Nam, không ai không đau trước nỗi nhục này. Ở các nước Mã Lai, Ðài Loan, Trung Quốc,... phụ nữ Việt Nam đang bị bày bán, đang bị người ta mua nhau, trả giá, để biến thành "món vật" nô lệ. Nhiều trường hợp mua vợ, giết vợ để lấy tiền bảo hiểm, để thỏa mãn thú tính.
Thiển nghĩ, đã đến lúc chúng ta phải gióng lên tiếng nói của lương tâm, của giống nòi. Chúng tôi tha thiết, những tổ chức, những ai còn quan tâm đến số phận của cô dâu – công nhân Việt đang bị đối xử dã man hãy đưa ra một biện pháp ngăn chặn, và cứu giúp những nạn nhân đáng thương này.
Trên chuyến bay từ HongKong đến Bangkok, khi người nữ tiếp viên loan báo máy bay đang bay ngang không phận Ðà Nẵng, lòng tôi chùng xuống. Trong đêm, bầu trời dầy đặc mây đen, chỉ có vệt sáng của máy bay lao vút đi. Tôi lặng lẽ nhìn xuống lòng đất thân yêu, tưởng tượng ra cảnh sinh hoạt náo nhiệt ở mọi nơi. Dưới đó, những nhánh cây tươi trẻ, xanh mát đâm chồi nẩy lộc vươn lên dưới ánh nắng mặt trời, và những thân cây già nua, héo úa bám lấy gốc rễ đục khoét đồng loại để sống từng ngày này qua ngày khác.
Máy bay vẫn lao đi hun hút trong đêm, buồn bã như chiếc... quan tài bay. Tôi thấy có một điều gì đó rất ấm ức. Một nỗi buồn xâm chiếm tâm hồn tôi.
ĐỖ VĂN TRỌN
Lấy lại từ Blog của LaTraviata Verdi