Thứ Hai, 5 tháng 1, 2009

MỘT BÁC SĨ SẼ LÀM GÌ KHI ĐỐI DIỆN VỚI LỆNH... GIẾT NGƯỜI ?


MỘT BÁC SĨ SẼ LÀM GÌ KHI ĐỐI DIỆN VỚI LỆNH... GIẾT NGƯỜI ?
Dưới đây là lời kể của nữ bác sĩ Yin Wong ( Có thể đọc theo âm Hán Việt là Thiên Vương. Chính tác giả đã yêu cầu thay đổi tên vì sợ gia đình bà còn ở lại Trung Quốc có thể bị vạ lây từ lời chứng của bà )
Thật là bận rộn ở một bệnh viện miền nam Trung Quốc vào sáng sớm ngày 24 tháng 12 năm 1989. Với tư cách là một chuyên viên về phụ sản 24 tuổi, tôi phải thực hiện hai ca mở tử cung mà ngành y gọi là thủ thuật César và một ca sinh khó.
Bà bác sĩ trưởng khoa giao cho tôi trực luôn đêm hôm đó: một trách nhiệm vừa mới, vừa sợ đối với tôi. Tôi đã kiệt sức, đã không ăn chút gì trong khoảng 8 giờ qua. Tuy vậy, cuối cùng thì tôi cũng về đến phòng nghỉ vào lúc 1 giờ sáng, nhưng không ăn uống hay thiếp ngủ đi được vì hồi hộp quá.
Thực vậy, tôi nằm trên giường, nghĩ đến 3 cuộc sống mới mà tôi vừa đón chào vào thế giới. Tôi nghĩ đến cha tôi. Ông đã chọn nghề bác sĩ, một nghề mà ở Trung Quốc, tiền lương chưa tới gấp đôi lương của người quét đường. Ông vẫn thường nói: “Công việc cao quý nhất mà một người có thể làm là bảo vệ sự sống.”
Cha tôi là một gương mặt đáng yêu trong thị trấn. Ông nổi tiếng về sự khiêm tốn. Ông mặc quần áo của người lao động, mang dụng cụ trong một cái túi màu tím nho rẻ tiền hư dây khoá kéo. Cái búa cán gỗ thử phản xạ của ông là một cái búa đời cũ. Không muốn vứt nó đi, ông nói với tôi: “Dụng cụ không tạo nên một bác sĩ, sự hiểu biết và lòng trắc ẩn mới làm nên một thầy thuốc.”
Nghĩ lam man rồi thì tôi cũng lơ mơ ngủ. Tôi nhớ đêm nay là đêm Giáng Sinh. Như hàng triệu người Hoa, cha mẹ tôi theo Ki-tô giáo. Tôi nghĩ đến những lần chúng tôi cùng nhau mừng lễ: trang trí một cây thông be bé, hát “Silent Night” – phải thật yên tĩnh, vì hàng xóm có thể trình báo chúng tôi – và nghe cha tôi thì thầm câu chuyện Chúa Hài Nhi. Tôi sẽ điện thoại cho ông vào sáng sớm Sinh Nhật Chúa. Tôi nghĩ thế khi chìm vào giấc ngủ.
Tiếng gõ cửa làm tôi thức giấc, một nữ hộ sinh thường làm việc trong những ca sinh nở hàng ngày gọi tôi: “Đến mau, chúng tôi cần cô giúp đỡ !” Tôi chạy ào theo chị ta, tai nghe tiếng khóc của một hài nhi mới sinh. Đến phòng đẻ, tôi thấy một người đàn bà bê bết trên giường, đang cố gắng ngồi dậy. “Xin đừng ! Xin đừng !”, bà ta la lên giọng miền quê.
Chị nữ hộ sinh là một cô gái đôi mươi, tóc thắt đuôi ngựa, mặt đầy mụn trứng cá, bắt đầu hút iốt từ một chai thủy tinh trong suốt. Chất lỏng vàng nâu chảy theo một cây kim dài hơn 7,5 cm vào cái ống chích lớn. Chị nói với tôi rằng đứa bé đẻ non của người đàn bà kia là đứa bé không được mong đợi. Người mẹ đã mang thai được 8 tháng. Bà ta đã có một con rồi – luật kiểm soát dân số của Trung Quốc cấm không được sinh đứa thứ hai.
Văn phòng Kế Hoạch Hóa Gia Đình địa phương sẽ bắt ép người mẹ vào bệnh viện, tại đây bà sẽ được tiêm Rivanol, một loại thuốc làm sẩy thai – Chị hộ sinh nói: “Nhưng đứa bé mới sinh còn sống”. Tiếng khóc của trẻ sơ sinh từ phòng tắm lạnh lẽo vang cả gian sảnh rộng. Chị hộ sinh nói tiếp: “Em đã xin lệnh chôn nó”. Ngọn đồi nhỏ gần bệnh viện là bãi tha ma vô danh phục vụ cho công việc này. “Nhưng ông ta nói trời đang mưa to quá”.
Lúc này mọi sự đối với tôi thật rõ ràng. Như một bác sĩ sản khoa được giao trách nhiệm, tôi có bổn phận không được để cho đứa bé đẻ non sống sót. Điều đó có nghĩa là 20 ml i-ốt hoặc cồn sẽ được tiêm vào đỉnh sọ mềm của hài nhi. Cái chết sẽ đến sau vài phút.
Chị hộ sinh trao cho tôi cái ống chích. Tôi chết điếng. Tôi không ngập ngừng lưỡng lự đối với việc phá thai ba tháng đầu, nhưng trường hợp này thì khác. Từ khi làm việc ở bệnh viện, tôi luôn luôn xoay sở để các bác sĩ kinh nghiệm hơn thi hành công việc đó.
Trên chiếc giường cạnh đó, mẹ đứa bé nhìn tôi với ánh mắt van lơn. Bà biết cái kim tiêm có nghĩa là gì. Mọi phụ nữ đều biết. Bà ta khóc: “Xin thương xót con tôi !”
Bỏ lại người mẹ vẫn còn đang nài nỉ, tôi đi ngang qua gian sảnh rộng đến phòng tắm. Qua hơi thở, tôi cảm thấy trời thật lạnh. Trong góc phòng tắm là một thùng rác, trên nắp nguệch ngoạc hàng chữ XÁC THAI NHI. Cạnh đó, tôi thấy một chiếc túi đựng rác bằng nhựa đen đang cựa quậy và tiếng khóc phát ra từ bên trong. Qùy xuống, tôi bảo chị hộ sinh mở túi.
Tôi vẫn đinh ninh đây là một trẻ sơ sinh thảm hại, nửa sống nửa chết. Nhưng không phải thế, tôi thấy một bé trai hoàn hảo nặng hơn 2 kg đang múa máy tay chân bé tí của nó, môi tím ngắt vì thiếu dưỡng khí. Nhẹ nhàng, tôi nâng đầu đứa bé bằng một tay và đặt đầu ngón tay kia vào đỉnh đầu mềm mại. Làn da ở đó ấm áp lạ lùng, nhịp nhẹ theo tiếng khóc. Tôi hoảng sợ: đây là sự sống, một con người. Nó sẽ chết trên sàn nhà lạnh lẽo này.
Tiếng người mẹ thét lên thấu qua gian phòng rộng: “Bác sĩ ! Xin đừng, bác sĩ ơi !”
Chị hộ sinh ấn chiếc ống chích vào tay tôi. Nó nặng trĩu. Tôi trấn an chính mình: Đây chỉ là thủ tục thường lệ thôi, đâu có gì là sai trái. Luật pháp bảo phải làm mà. Ngay lúc đó, đứa bé đạp chân, bàn chân nó đẩy nòng ống chích lại gần bụng thật nguy hiểm. Tôi giật lại, thầm nghĩ: đêm nay là đêm Giáng Sinh ! Tôi không thể tin được rằng mình đang làm việc này trong đêm Giáng Sinh !
Tôi chạm ngón tay trỏ vào môi bé. Nó quay đầu lại để bú. Tôi thốt lên: “Nhìn kìa, nó đói, nó muốn sống.” Đứng lên, choáng váng, chiếc ống chích tuột khỏi tay vỡ tan trên sàn nhà, chất lỏng vàng nâu lấm tấm trên giày tôi. Tôi bảo chị hộ sinh mang đứa bé vào phòng sinh, chuẩn bị đưa nó xuống phòng chăm sóc đặc biệt. Tôi nói với chị: “Tôi sẽ xin bác sĩ trưởng khoa chiếu cố đến nó”. Tôi nghĩ rằng một nữ bác sĩ sản khoa hơn 50 tuổi, có hai con, sẽ chẳng bao giờ giết hại trẻ sơ sinh này.
Khi tôi gõ cửa phòng bà thì đã gần 2 giờ sáng. Tiếng bà còn ngái ngủ. Cửa mở, tôi lẹ làng giải thích: “Chúng ta có một bé trai mới sinh còn sống sau một ca sinh ép. Tôi có thể đưa nó vào phòng chăm sóc đặc biệt không ?” – “Tuyệt đối không !” Vẫn còn trên giường, bà tiếp: “Đó là đứa thứ hai !” Tôi cố nài nỉ: “Nhưng nó khoẻ lắm, bà có vui lòng đến xem qua không ?” Lặng đi một chút, bà tức giận trả lời: “Tại sao cô lại đòi hỏi tôi điều này ? Cô biết chính sách chứ !” Thấy bà nổi giận, tôi xin lỗi và khép cửa.
Trong các cuộc họp y bác sĩ, bà thường nhắc nhở chúng tôi chính sách kiểm soát sinh sản quan trọng như thế nào. Thường thì bà nêu lên trường hợp nào đó ở các bệnh viện lân cận, kẻ để cho sinh con sai chủ trương của nhà nước sẽ bị tống giam. Nhưng mới đây xảy ra một vụ tai tiếng liên quan đến nhân viên của bệnh viện chúng tôi.
Ông ta là một người tiều tụy, lầm lì, trạc ngũ tuần. Công việc duy nhất của ông là chôn trẻ sơ sinh. Cứ mỗi đứa ông được trả 30 nhân dân tệ. Một ngày trung bình 4 đứa, ông kiếm được hơn gấp đôi lương bác sĩ. Có một lần tôi hỏi một bạn đồng nghiệp: “Tại sao nhiều thế ?” thì cô ta trả lời: “Bởi vì chẳng có ai muốn làm việc ấy cả”. Khi tôi gạn hỏi thêm, cô ấy bảo rằng trong trường hợp phá thai thất bại, đôi khi ông ta phải chôn luôn những hài nhi còn sống. “Có việc gì đâu, chính sách kiểm soát sinh sản phải được tuân hành !”
Những tuần sau tôi được biết: vừa rồi, sau một ca phá thai, một nữ hộ sinh đã giao thai nhi cho ông ta. Ông để tạm nó ở gầm cầu thang rồi đi ra ngoài. Hài nhi tỉnh lại và khóc ré lên. Một viên công an đến thăm bệnh viện khám phá ra đứa bé và hỏi bà trưởng khoa của tôi. Bà trả lời rằng nó chỉ là đứa bé bất hợp pháp đang chờ đem chôn. Viên sĩ quan xin lỗi vì đã quấy rầy bà.
Thế là trong cuộc họp kế đó, tôi được nghe lời này: “Từ nay không được giao bất kỳ thai nhi còn sống nào cho người chôn cất. Phải cho nó một mũi tiêm”.
Linh tính đưa tôi trở lại phòng sinh. Một người đàn ông với gương mặt nông dân dạn dày sương nắng chụp lấy tay tôi. Ông khẩn khoản van xin: “Thưa bác sĩ, đây là đứa con trai mà chúng tôi hằng mong ước. Xin đừng giết nó !”
Tôi lại xuống đại sảnh rồi vào phòng tắm. Đứa bé vẫn còn nằm trên sàn nhà. Tôi hỏi chị hộ lý: “Tại sao chị không làm điều tôi bảo ?” Chị ta trả lời: “Ai mà nhặt đứa bé này lên.” Chị ta cho rằng một trẻ thơ không được phép sống. Chị ngạc nhiên khi thấy tôi bế em bé lên và vội vã trở về phòng sinh. Tôi đặt bé nằm trong nôi.
Dưới ánh đèn cực tím ấm áp cùng với dưỡng khí đặt vào mũi, chẳng bao lâu tay chân bé trở nên hồng hào. Tôi cẩn thận quấn nó trong một chiếc chăn êm. Chị hộ sinh chuẩn bị một ống chích khác – lần này là cồn – rồi đặt vào một cái khay cạnh chiếc nôi. Người mẹ lại van lơn: “Xin đừng làm thế !” Nắm chặt thành giường, bà cố gắng lê đến gần. Tôi vội đến bên cạnh bà. “Bình tĩnh”, nhẹ nhàng tôi đặt bà nằm xuống, thì thầm vào tai bà: “Tôi không muốn hại con bà, tôi đang cố gắng giúp bà”.
Người mẹ bắt đầu khóc, bà mếu máo: “Cô ơi, tôi đội ơn cô suốt đời” Ngay lúc ấy chị hộ sinh mang đến bản báo cáo trực đêm và hỏi: “Tôi phải ghi sao đây ?” Tôi lặng thinh. Cuối cùng chị nói: “1 giờ 30 – sinh con sống ?” Bản báo cáo phải được cập nhật trước khi chị hộ sinh về nhà. Tôi trả lời cộc lốc: “Không viết gì cả”. Bực tức, chị ta ra về.
Tôi nhìn em bé. Khuôn mặt bầu bĩnh của nó nổi bật giữa làn tóc đen. Tôi nghĩ sự sống này là quà tặng của Thiên Chúa, không ai có quyền lấy nó đi. Ý tưởng ấy trở nên chắc thực đến nỗi tôi có cảm tưởng là có ai đó đã nói với tôi. Tôi ngỡ ngàng: “Thiên Chúa nói với loài người bằng cách này sao ?”
Liên tục hai tiếng đồng hồ, tôi đứng trông nom em bé. Dần dần nó thôi thút thít và buồn ngủ. Cuối cùng, tôi đi gặp bà trưởng khoa lần nữa. Tôi thưa: “Xin lỗi bà, tôi không thể làm việc này. Tôi thấy đây là giết người, tôi không muốn là kẻ sát nhân”. Bà giận dữ: “Thế mà cô tự nhận mình là một bác sĩ sản khoa sao ? Giải quyết ngay lập tức! Đừng làm phiền tôi nữa !”
Tim đập loạn xạ, tôi trở lại phòng sinh. Cậu bé vẫn còn ngủ, nhưng khi tôi chạm đến miệng nó, một lần nữa nó lại ngoảnh đầu đòi bú. Tôi thầm thì: “Đói phải không chú bé ?” Tôi nói mà nước mắt lăn dài trên má. Đột nhiên tôi cảm thấy cô đơn ghê gớm. Tôi nghĩ đến cha tôi. Ông có ủng hộ tôi không ? Không đợi đến sáng, tôi đến điện thoại công cộng ở hành lang. Cả cha mẹ tôi đều nghe những lời tôi thổ lộ: “Con vẫn nghe tiếng Thiên Chúa: ‘Đây là sự sống, con không thể tham dự vào việc giết người’ ”
Có một khoảng thinh lặng dài sau khi tôi nói. Rồi thì có tiếng của cha tôi: “Cha tự hào về con”
Tôi nghe tiếng nấc của mẹ: “Mẹ cũng vậy, nhưng con phải cẩn thận ! Đừng viết vào chữ nào, cũng không làm biên bản gì hết. Có thể Hội Đồng muốn thử thách con.”
Tôi hiểu. Thời Cách Mạng Văn Hoá, khi tôi được tám tuổi, cha tôi đã bị bắt vì cứu sống một viên chức bị coi là phản cách mạng. Cha tôi bị đày về nông thôn, mẹ tôi bị gởi đi lao động nông trường. Đứa em trai 4 tuổi và tôi ở lại với hàng xóm. Đó là những tháng năm gian khổ. Tôi nhớ lại chuyện tra khảo và bỏ đói mẹ tôi từng kể cho tôi. Tôi cảm thấy dao động, không còn cương quyết. Cha tôi nói tiếp thật đơn sơ: “Con là con thơ của Thiên Chúa, hài nhi kia cũng thế, giết nó cũng tương tự như giết chính em trai con”.
Tôi gác máy, vội vàng quay trở lại. Các bà mẹ đang xôn xao. Cửa phòng sinh khóa chặt, cha đứa bé bị giữ lại bên ngoài đang gào thét: “Đừng giết con tôi !” Tôi chạy vào phòng bằng cửa hông. Bà bác sĩ trưởng khoa đang đứng cạnh nôi, một tay cầm ống chích, một tay sờ đầu đứa bé. Chiếc chăn mềm và ống dưỡng khí đã bị gạt ra. Đứa bé đang khóc thét. Tôi la lên và chụp lấy ống chích: “Đừng tiêm !”
Bà trưởng khoa la lên: “Cô đang làm gì vậy ? Cô không chấp hành luật pháp à !” Thay vì sợ hãi, tôi lại thấy an bình: “Hài nhi này vô tội, sao bà lại có thể giết nó ?” Bà há hốc miệng nhìn tôi, hạ giọng cảnh cáo: “Nếu cô còn tiếp tục cứng đầu, cô sẽ không bao giờ được hành nghề y nữa”.
“Tôi thà không làm bác sĩ chứ không phạm tội giết người. Tôi thà mất hết quyền lợi để có đứa con của chính tôi hơn là giết đứa bé này”. Tôi nói thế vì chợt nghĩ rằng: “Tại sao tôi lại không nhận nó làm con nuôi ?” Bà giám sát la lên: “Cô mất trí rồi !” Bà ta bỏ đi. Tôi quấn tã cho bé lần nữa và thay ống ô-xy. Bé nín khóc, hồng hào trở lại.
8 giờ sáng, trưởng phòng hành chính bệnh viện đến làm việc, ông được tường trình mọi chuyện đã xảy ra. Gọi tôi vào văn phòng, ông hỏi: “Tại sao cô không muốn thi hành bổn phận. Họ là bạn cô phải không, hay cô đã nhận tiền của họ ?” Tôi nổi giận: “Ngay cả tiếng địa phương của họ tôi cũng chẳng nói được, còn nếu ông muốn kiếm tiền, tôi có thể giúp ông.”
Ít phút sau, một viên chức cao cấp hơn thuộc văn phòng Kế Hoạch Hoá Gia Đình địa phương bước vào phòng, ông rút tập tài liệu từ cái cặp da đắt tiền ra và bắt đầu đọc bản văn hướng dẫn của địa phương về việc kiểm soát sinh sản: “Kẻ nào cản trở nhân viên Kế Hoạch Hóa Gia Đình thi hành nhiệm vụ sẽ bị trừng trị...”
Đọc xong, ông nhìn tôi, giọng sắc như dao: “Cô có thấy chỗ nào cho phép đứa bé này sống không ?” Tôi đáp: “Không ai trong chúng ta có quyền quyết định điều đó.” Ông ta bắt đầu giận dữ: “Ở đây chúng tôi đang nói về chính sách của nhà nước. Cô đã vi phạm luật pháp !” – “Tôi không cảm thấy như thế.” – “Được”, ông ta dịu giọng, “Cô hãy đi với tôi xuống tiêm cho nó.”“Không !” – “Cô có công nhận là cô phạm luật không, nếu có, tôi có quyền bắt giữ cô ngay bây giờ”
Tuyệt vọng, tôi tìm lối thoát. Tôi bị giữ lại hơn 24 tiếng đồng hồ mà không thể nghĩ ra điều gì sáng sủa. Tôi cảm thấy buồn nôn và trình bày với ông ta một cách yếu ớt: “Lúc đó tôi đã làm xong bổn phận, ca trực của tôi đã hết rồi”. – “Không đúng, cô chưa hoàn tất công việc”. Tôi nói: “Xin ông” rồi bắt đầu khóc. Chân khuỵu xuống, tôi ngã dài trên sàn nhà. Điều cuối cùng tôi nhớ là một màn đen trải rộng trước mắt.
Khi tỉnh lại, tôi thấy mình đang nằm trong phòng nghỉ. Trời hình như đang giữa trưa. Đứa bé ! Tôi choàng dậy chạy đến phòng sinh. Chiếc nôi bé bỏng trống không. Tôi hỏi chị hộ sinh: “Đâu rồi ...?” Chị trả lời, tránh không nhìn tôi: “Cái ông ở kế hoạch hóa gia đình ra lệnh cho chúng tôi tiêm”.
Dù tôi đã cố gắng hết sức, đứa con trai bé bỏng vẫn bị giết !
Bác sĩ YIN WONG
Hơn mười năm qua, các bản tường trình về việc giết hại trẻ sơ sinh một cách hợp pháp tại Trung Quốc đã được đăng tải trên nhiều sách báo, từ Washington Post đến The Wall Street Journal và Tổ chức Ân xá quốc tế. “Những bản tường trình như thế phổ biến và dứt khoát đến độ khó mà ngờ vực”.
Ông John S. Aird, nguyên giám đốc chi nhánh văn phòng Điều Tra Dân Số Hoa Kỳ tại Trung Quốc đã nói như thế. Vậy thì cũng giống như những câu chuyện huỷ diệt hàng loạt đó đây được tiết lộ cho giới truyền thông trong thế chiến thứ hai, những thông điệp này thường bị lãng quên. Cho đến nay, câu chuyện của bác sĩ Yin Wong có lẽ là câu chuyện chi tiết nhất được đăng tải.
Ông Steven W. Mosher giám đốc Trung Tâm Nghiên Cứu Á Châu thuộc Học Viện Claremont bang California nói: “Đây là mặt tối trong chính sách “một con’ của Trung Quốc. Cộng hòa nhân dân Trung Hoa không bao giờ thực sự ra lệnh giết trẻ sơ sinh. Tuy vậy, chính phủ đòi buộc khắt khe các văn phòng Kế Hoạch Hóa Gia Đình địa phương phải hướng dẫn thực hiện những hành động không thể nói ra này mà không được thoái thác.”
Tháng 9 năm 1995, Bắc Kinh đăng cai Hội Nghị Thế Giới lần thứ tư của Liên Hiệp Quốc về Phụ Nữ. Hội nghị tập hợp hàng trăm chuyên gia về kiểm soát dân số từ khắp thế giới. Mỉa mai và cay đắng thay, tổ chức này đã hẹn gặp nhau ở một quốc gia kiểm soát dân số một cách quá khích. Sự kiểm soát này phải được diễn tả như là tội ác chống nhân loại.
Vì dám cưỡng lại chính sách kế hoạch hóa gia đình của Trung Quốc, bác sĩ Yin Wong bị đày tới một vùng núi xa xôi. Cuối cùng cô đào thoát sang Mỹ và xin tỵ nạn chính trị. Cô nói:
“Tôi gặp may vì giờ đây tôi đang sống trong một xứ sở không ép buộc tôi làm trái lương tâm. Các bạn đồng nghiệp của tôi ở Trung Quốc không được may mắn như vậy. Điều tệ hại nhất là cách người ta đã dùng để huỷ hoại tâm hồn họ.”

Lm. NGUYỄN MINH ĐỨC, DCCT, dịch từ “A Question of Duty”, Reader’s Digest 9.1995

GHI CHÚ: Các bạn có thể "nghe" bài FIAT 398 này ở địa chỉ: http://www.trungtammucvudcct.com/web/baovesusong.php?id=36

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Đã 1 lần đến với BVSS, hãy để lại 1 lời cảm nhận của bạn để chúng mình cùng hiểu nhau thêm nhé!
Comment trong yêu thuơng và chia sẻ.

 

BẢO VỆ SỰ SỐNG © 2008. Design By: SkinCorner