Thứ Tư, 7 tháng 1, 2009

“BÊ-LEM ƠI, SAO NGƯƠI BẠC ĐẾN THẾ ?”

“BÊ-LEM ƠI, SAO NGƯƠI BẠC ĐẾN THẾ ?”

Hôm qua, một ngày “đẹp trời”, từ sáng đến chiều, tôi đã phải tiếp ba trường hợp, dĩ nhiên cả ba đều đã bị bỏ rơi khi đang mang trong mình một mầm sống. Tôi tiếp rất nhanh, sau khi hỏi một vài lời tôi gởi về Nhà Tình Thương Giê-ra-đô ngay, nơi chúng tôi đang giúp nuôi những chị em lầm lỡ gặp hoàn cảnh éo le.
Xua đuổi những mệt mỏi đi rồi, tôi giật mình áy náy, có lẽ mình đã quá quen giải quyết công việc đến nỗi có phần máy móc chăng ? Con người mà tôi phải đối diện và thương yêu chứ nào phải là một... cỗ máy vi tính vô hồn vô cảm ? Thế rồi những gương mặt đầm đìa nước mắt hiện ra trong trí tôi, tôi nhủ thầm, ngày mai phải đi thăm Nhà Giê-ra-đo ngay thôi. Cũng đã khá lâu rồi...
Sáng nay, một người quen cũ, rất thân nữa, đã gọi điện cho tôi, vợ chồng chị đang lo chuẩn bị hôn lễ cho con gái, tôi sẽ dâng lễ và chứng hôn trong vài tuần tới. Chị nói trong nỗi đau dằn vặt “chú có cách nào không ? Chúng nó tự thuê nhà riêng và đi lại với nhau, tôi nói không được, con cái bây giờ làm khổ cha mẹ quá chú ơi !”
Những con số thống kê điều tra xã hội nói gì với chúng ta ? Báo Phụ Nữ ra ngày thứ ba, số 94, 4.12.2007, ngay nơi trang nhất có bài “Ac mộng” tuổi teen, tác giả Thùy Dương – Hoài Nhân viết: “Theo số liệu của UBND TP. HCM về việc thực hiện chiến lược dân số giai đoạn 2001 – 2006, tỷ lệ nạo phá thai ở tuổi vị thành niên ( 13 – 19 tuổi ) trước đây chỉ chiếm 5 – 7% tổng số ca, nay đã lên đến 10% và có khả năng sẽ còn tiếp tục tăng”.
Đọc đến đây ắt hẳn có người sẽ lại chép miệng nói chúng tôi rằng, “cứ nhai đi nhai lại chuyện này hoài !” Nhưng xin thú thật với quí vị, nếu ai đó có dịp gặp và đối diện với một người phụ nữ trẻ, thậm chí rất trẻ như bài báo viết là “vị thành niên”, đối diện với một gương mặt đầm đìa nước mắt, đối diện với nỗi sợ hãi, đối diện với những dằn vặt lương tâm, đối diện với nỗi tuyệt vọng… khi ấy, ai có thể cầm được nỗi thương cảm và lòng nuối tiếc cho tuổi thanh xuân, cho một đời người ?
Chẳng phải chúng tôi cứ nhai đi nhai lại chuyện cũ, nhưng nếu nạn nhân của một cuộc bỏ rơi lại là chính người nhà mình, ch đứa con gái mình sinh ra và thương yêu, đứa con gái mà mình hết lòng chăm chút, đứa con gái mà mình mong chờ kỳ vọng... hỏi lúc ấy mình nghĩ gì về thân phận con người, nghĩ gì về xã hội, nghĩ gì về nền giáo dục nước nhà ?
Và nếu tai họa lại rơi vào… chính mình, hỡi những người bạn gái đang đọc những hàng chữ này, các bạn có còn chép miệng bảo rằng chúng tôi cứ nhai đi nhai lại chuyện... “xưa rồi Diễm” không ? Hay chính các bạn và những người thân của các bạn nói rằng: “Nhai đi nhai lại như vậy vẫn chưa ăn thua gì đâu !”
Tôi chưa kịp đi thăm Nhà Giê-ra-đô như lòng đã nhủ, thì lại tiếp tục chao lòng khi bên kia tấm khăn của Tòa Giải Tội lại rung lên cùng với những tiếng nấc nghẹn ngào, vẫn tiếp và còn nhiều nữa những tiếng nấc nghẹn ngào trong nuối tiếc như bài báo đã dự đoán. Chúng ta lại có thể “thất trận” dễ dàng như vậy sao ?
Mấy ngày nay người ta chê trách Ban Huấn Luyện đội bòng đá U.23 Việt Nam, người ta cho rằng Ban Huấn Luyện đã không tìm ra được nhược điểm và không có ngay những khắc phục cần thiết, không tự tìm ra điểm yếu và không điều chỉnh kịp thời, dẫn đến “vỡ trận”. Thế nhưng nếu đội bóng vỡ trận thì chỉ mất huy chương, còn con người bị “vỡ trận” chúng ta mất cả đời người, mất cả thế hệ và mất cả tương lai !
Chỉ còn hơn một tuần nữa là Lễ Giáng Sinh, một Hài Nhi đã sinh ra cho loài người, Chúa đã đến trong thân phận bé nhỏ đơn hèn để lên tiếng về một mầu nhiệm cao cả trong bóng dáng của kiếp người mong manh yếu ớt. Cùng với những lời ca tụng hân hoan chúc mừng của ngày đại lễ, xin gởi đến mọi người lời chia sẻ nỗi băn khoăn và trăn trở về mạng sống của biết bao sinh linh đang bị đe dọa. Bê-lem đã không đón nhận Hài Nhi, nhưng đã có và chỉ có tấm lòng đơn hèn của Giu-se và Ma-ri-a đón nhận bất chấp mọi phi lý của cuộc đời. Xin trao một chút đơn hèn ấy vào lòng mỗi người chúng ta.
Để kết thúc, xin chép lại một đoạn trong bài Thánh Ca “Bê-lem ơi” của cha Nguyễn Khắc Xuyên. Bài hát đã cổ lắm rồi, phải hơn 50 năm, nhưng sao đến đầu thế kỷ 21 rồi mà tâm tình gửi gấm vẫn hết sức thấm thía xót xa, như một lời trách than, như một lời cật vấn:
“Bê-lem ơi, ngươi không biết đêm nay cả một trời vui, thần nhân ca hát ngàn khúc say sưa êm đềm, khác xưa nay thường lệ, ngươi không hay Con Thiên Chúa thương ngươi, chẳng khi nào ngơi, mà ngươi lại ở thật cách xa. Ôi Bê-lem, sao ngươi bạc đến thế ?”
Ôi Sài-gòn, sao ngươi bạc đến thế ? Ôi Hà Nội, sao ngươi bạc đến thế ? Ôi Huế ơi, sao ngươi bạc đến thế ? Ôi Cần Thơ, sao ngươi bạc đến thế ?...
Lm. Vĩnh Sang DCCT, 16.12.2007

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Đã 1 lần đến với BVSS, hãy để lại 1 lời cảm nhận của bạn để chúng mình cùng hiểu nhau thêm nhé!
Comment trong yêu thuơng và chia sẻ.

 

BẢO VỆ SỰ SỐNG © 2008. Design By: SkinCorner