Thứ Năm, 22 tháng 1, 2009

CÔ DÂU HAY NÔ LỆ TÌNH DỤC ?

CÔ DÂU HAY NÔ LỆ TÌNH DỤC ?

Cách đây 20 năm, lễ Song Thập ( 10 tháng 10 ) – Ngày Ðộc Lập của Ðài Loan, chúng tôi được mời đến quốc gia này như một thượng khách. Từ đảo quốc nhỏ bé, xa xôi mà Chính Phủ Ðài Loan đã tạo dựng lên một đất nước phồn thịnh, thật đáng khen ngợi. Ðài Loan, đối với tôi có những điểm rất giống Chợ Lớn năm nào. Tuy nhiên, cảnh khạc nhổ, vứt vãi, đôi co ngoài đường vẫn là một thực trạng. Dân trí chưa đồng bộ, kiến thức còn cách biệt giữa vùng quê và thành phố.
Tiếp xúc với những người dân, họ ngỡ chúng tôi là người Hoa. Một người già cầm tay tôi thân mật nói: "Tội nghiệp cháu, xa quê hương lâu nên không nói được tiếng mình". Tôi đáp: Cháu là người Việt chứ không phải người Hoa. Bác nhìn tôi trìu mến và có những ấn tượng tốt về người Việt Nam.
Giữa năm 2006, tôi trở lại Ðài Loan với những nỗi buồn trăn trở. Từ phi trường về thành phố Tân Trúc, những tấm biển quảng cáo "Cô Dâu Việt Nam" đã làm tôi bức xúc. Tin tức dồn dập về thảm cảnh cô dâu Việt, công nhân Việt bị hà hiếp, chà đạp được đăng tải trên những trang báo Hoa Văn khiến lòng tôi dấy lên một niềm đau. Tôi tự hỏi: Giữa thời đại này còn có cảnh con người làm nô lệ hay sao? Hình ảnh người phụ nữ Việt Nam nết na, thùy mị, duyên dáng, đã bị bôi xóa bởi những bàn tay nhơ nhớp, thô bạo, buôn bán trên thân thể con người.
Tôi ngẫm nghĩ: Chẳng một chính phủ nào có thể làm ngơ để công dân của họ bị hành hạ, bức hiếp. Ấy thế, mà nguyên cớ nào đã dẫn đưa đến thảm trạng này ? Trên tờ Tự Do Thời Báo Ðài Loan, dưới tựa bài: "Lao Ðộng Việt Nam Bị Xúc Phạm Tình Dục – Phía Việt Nam Áp Lực Bắt Cấm Khẩu" của ký giả Vương Tấn Trung và Vương Bình Vũ tường trình có những đoạn viết: "Nhiều lao động nữ Việt Nam bị hai cha con ông Hồng Khánh Chương, môi giới Ðài Loan ở Ðài Nam, xúc phạm tình dục. Viện Kiểm Sát ( Ðài Nam ) cho biết rằng; chiều hôm qua, họ được thông báo là các nhân viên Văn Phòng Kinh Tế Văn Hóa Việt Nam tại Ðài Bắc đã tìm đến một nữ nạn nhân và áp lực cấm nữ nạn nhân này không được khai báo hay kiện cáo, không được hợp tác với ủy ban điều tra. Viện Kiểm Sát Ðài Loan đã liên lạc với phía Văn Phòng Việt Nam để làm rõ sự việc này.
Viện Kiểm Sát còn nói rằng; sau khi báo chí Ðài Loan phổ biến tin tức về vụ án này, nhân viên Văn Phòng Ðại Diện Việt Nam tại Ðài Loan, qua liên lạc với Bộ Ngoại Giao, đã gọi điện thoại cho Viện Kiểm Sát Ðài Nam tại Ðài Loan, nói lên nỗi lo ngại rằng sự việc tập thể các nữ nạn nhân Việt Nam tố cáo người Ðài Loan, sẽ gây nên những trở ngại cho quan hệ giữa hai nước Ðài Loan và Việt Nam. Ngay hôm đó, phát ngôn viên của Bộ Ngoại Giao, ông Lữ Kính Long, nói rằng; Văn Phòng Ðại Diện Việt Nam tại Ðài Loan thật sự có gọi điện thoại yêu cầu Bộ Ngoại Giao cung cấp những "giúp đỡ hành chánh" liên quan đến vụ án. Bộ Ngoại Giao cũng xét theo quy ước quốc tế, là cung cấp cho các cơ quan đại diện của các nước tại Ðài Loan những "giúp đỡ hành chánh" cần thiết, để các nước tiện việc bảo vệ các công dân của họ đang ở trên lãnh thổ Ðài Loan có được những quyền lợi căn bản. Bởi vậy, Bộ Ngoại Giao đã giúp đỡ cơ quan Ðại Diện Việt Nam tại Ðài Loan săn tìm các điện thoại liên lạc, và đã cung cấp cho họ số điện thoại của Viện Kiểm Sát Ðài Nam.
Qua sự việc này, Bộ Ngoại Giao hoàn toàn không có ý áp lực hay gây trở ngại gì cả. Tuy nhiên, ông nói rõ: Kết quả của việc liên lạc này không có gì tốt đẹp lắm, vì những việc đó liên quan đến Bộ Lao Ðộng. Bởi vậy, chúng tôi đã chuyển giao tất cả hồ sơ cho Bộ Lao Ðộng giúp đỡ, xử lý.
Liên quan đến Văn Phòng Ðại Diện Việt Nam tại Ðài Loan. Khi các ký giả gọi điện thoại hỏi thăm về những sự việc này, thì Văn Phòng Kinh Tế Văn Hoá Việt Nam tại Ðài Bắc từ chối bình luận.
Có 4 nữ nạn nhân tìm đến Nhà Thờ của cha Nguyễn Văn Hùng ( ảnh kèm theo ở đầu Entry ) ở Ðào Viên nhờ sự giúp đỡ. Họ được tổ chức Luật Sư Trợ Giúp Pháp Lý liên lạc với Viện Kiểm Sát Ðài Nam để tố cáo hành động cưỡng dâm của hai cha con ông Hồng Khánh Chương và Hồng Minh Dụ, chủ nhân của Trung Tâm Môi Giới Trung Hữu tại Vĩnh Khang – Ðài Nam. Ngay sau đó, có ít nhất 30 lao động nữ đứng ra tố cáo. Họ cho biết: Con số nạn nhân có thể lên đến cả 100 người.
Ông Trương Nghị Xướng, chủ nhiệm Viện Kiểm Sát Ðài Nam và ông Trần Kiến Hùng, Kiểm Sát Viên đã chỉ huy tổ cảnh sát hình sự bắt giữ cha con ông Chương và ông Dụ. Tiếp theo, Viện Kiểm Sát Ðài Nam đến tìm gặp một nữ nạn nhân Việt Nam ở thị trấn Thiệu Hoá, Ðài Nam để hỏi thêm nội vụ nhưng không thể lường được. Trước đó, một nhân viên của Văn Phòng Kinh Tế Văn Hóa Việt Nam tại Ðài Bắc đã tìm đến nạn nhân này để làm áp lực. Yêu cầu: "Không được kiện cáo, không được hợp tác với tổ điều tra, chỉ giải hòa và lấy tiền bồi thường là được rồi..."
Khi đọc lá thư lên tiếng ( 27.4.2006 ) của ông Võ Văn Kiệt, cựu Thủ Tướng Việt Nam gửi cho bà Hà Thị Khiết, Chủ Tịch Hội Liên Hiệp Phụ Nữ Việt Nam về vụ tờ báo CHOSUN Nam Hàn đăng bức hình cô dâu Việt Nam quỳ dưới chân mấy người Hàn Quốc: "Hỡi các hoàng tử Hàn Quốc hãy đưa em về nhà đi". Tôi rất căm phẫn và đồng tình với ông Võ Văn Kiệt: "Ai có trách nhiệm phải gìn giữ truyền thống phụ nữ Việt Nam. Và ai là người có trách nhiệm nỗi nhục này..."
Ðến những quốc gia Á Châu, nhất là những vùng ven biên. Tôi không khỏi xót xa. Tình cờ, tôi gặp được một người phụ nữ Việt Nam, tên Nguyễn Thị..., 34 tuổi quê ở Hải Dương, bị bán sang Trung Quốc năm 1998. Hiện chị đang sống ở một vùng quê hẻo lánh ở tỉnh Côn Minh. Chị kể cho tôi nghe: Nhà quá nghèo, phải cần có 700 đô Mỹ để lo chữa bệnh cho cha già. Chị đang có 4 người con, nhưng chị không biết các con của chị bố cháu là ai ? Chị chỉ biết rằng; chị đang làm vợ của 5 ông chồng nông dân là: Ông Nội, Ông Cha, Ông Con, Ông Chú, Ông Cậu. Hàng ngày, hàng đêm, chị phải hầu hạ họ.
Tôi đề nghị giúp chị một số tiền chuộc thân và đưa chị về lại Việt Nam, nhưng chị từ chối. Chị nói: "Anh giúp tôi một số tiền như vậy là tốt lắm rồi. Tôi về Việt Nam để làm gì nữa anh, xấu hổ lắm! Thực trạng. Muốn hay không muốn, tôi vẫn là mẹ của 4 đứa con tôi".
Tôi xúc động trước câu nói phi thường của chị. Tôi thấy mình thật nhỏ bé. Tôi lặng người một lúc rồi từ biệt chị. ( Luật bên Trung Quốc mỗi gia đình tối đa là 2 người con. Nhiều gia đình vì muốn có con trai nên khi đứa đầu là gái thì họ thả trôi sông. Trường hợp những gia đình ở vùng quê có nhiều con là vì họ không đăng ký hộ khẩu và chính quyền ở đó không màng đến những người nghèo khổ ).
Ðất nước của tôi sao lại có những người khốn cùng như vậy. Mỗi một cô dâu, mỗi một công dân "tha phương cầu thực" ở nước ngoài đều có chung một số phận đáng thương. Họ vì quá nghèo. Họ vì hy vọng đem lại cho bản thân và gia đình một chút gì khả quan hơn nên liều lĩnh đánh đổi cuộc sống. Ða số rơi vào tình cảnh bi thương. Còn lại, rất ít người may mắn được một người chồng thật sự - một công việc tốt đẹp như họ mơ nghĩ.
Tại Ðài Loan, hiện nay có trên 100 ngàn cô dâu - công nhân Việt Nam, so với năm 1999 chỉ có 21 người. Hầu hết cô dâu là người miền Ðồng Bằng Sông Cửu Long, còn công nhân là người miền Bắc, quê ở Nghệ Tĩnh - Thanh Hóa... Ê chề nhất là cảnh "chợ người", hầu hết là các cô gái Việt Nam. Như một hoạt cảnh trên sân khấu, các cô lôi kéo, ẻo lả, xô đẩy khách làng chơi. Dù bị xỉ vả, xua đuổi, khinh bỉ... các cô vẫn cam tâm chịu đựng. Những khu siêu thị "chợ người", phồn thịnh nhất là những chợ ở biên giới: Bàng Tường, Móng Cái, Lào Cai... Trung Quốc.
Những cô gái Việt Nam thật tội nghiệp. Họ còn rất trẻ và có nhan sắc. Hàng ngày, đọc tin trên các báo Ðài Loan, nhan nhãn những chuyện cô dâu – công nhân Việt Nam bị bạc đãi, tôi thấy ức lòng chừng nào. Chủ nhật đi ngang qua nhà thờ, tôi thấy người Phi đi xem lễ và tập họp rất đông đảo. Họ cười nói, khuôn mặt vui vẻ. Thân phận của họ cũng là một công nhân, nhưng sao không bị bạc đãi ? Vì họ được sự bảo vệ của chính phủ Phi Luật Tân. Và vì những công ty môi giới ở Phi đã làm đúng trách nhiệm của một công ty tuyển dụng người đi lao động ở nước ngoài. Còn các công ty môi giới của chúng ta ở trong nước thì họ bất kể người làm việc được quyền lợi gì. Họ chỉ cần kiếm được mối lợi nhuận là xong.
Dùng từ công nhân cho phù hợp, chứ thực ra số người đi lao động bên Ðài Loan làm hãng, xưởng bao nhiêu người, toàn là đi làm thuê, mướn cho những ông chủ tâm địa ác độc – bệnh hoạn. Họ chuyền tay nhau, như chuyền một con "mồi" béo bở. Từng ngày này qua ngày khác, từng ông "chủ" này hành hạ, đến ông chủ kia hãm hiếp. Như trường hợp chị PTT, 28 tuổi quê ở Nghệ An, trong một tháng phải đi làm thuê cho 8 ông chủ. Chị bị họ luân phiên hãm hiếp mà không dám khai báo vì công ty môi giới giữ hộ chiếu và giấy tờ của chị ( luật bên Ðài Loan, nếu không có giấy tờ tùy thân sẽ bị giam giữ ). Họ còn hù dọa sẽ trục xuất chị về Việt Nam. Chị lo ngại không trả được số tiền mà gia đình vay mượn để lo cho chị đi lao động, nên đành câm lặng.
Tờ báo Apple Daily Taiwan ( Quả Táo ) đã nêu ra biết bao nhiêu trường hợp như vậy. Nhiều công ty môi giới ở Việt Nam đã gián tiếp, trực tiếp và tiếp sức với những công ty môi giới bên Ðài Loan bóc lột công nhân đi lao động. Một người khi đi lao động ở nước ngoài, tiền vé máy bay, tiền "nghĩa vụ", thủ tục này thủ tục nọ lên đến vài ngàn đô Mỹ, nên khi họ gặp những chuyện bức bách, họ không dám lên tiếng.
Trách nhiệm này, những cơ quan "chủ quản" người lao động phải gánh chịu một phần. Ở những nước khác, khi một công nhân lao động ở nước ngoài, họ phải giám sát kỹ lưỡng. Công ty môi giới phải xác định được nơi làm việc của công nhân mình. Quyền lợi, lương bổng, chế độ làm việc, bảo hiểm như thế nào. Ðâu thể, chỉ "xuất" người là xong.
Có một số tổ chức lao động – du lịch – văn hóa ở trong nước khi đưa người ra nước ngoài tham quan, du lịch, làm việc hay cầm giữ hộ chiếu của họ. Viện cớ "bảo quản" – ngăn chận những ai có "ý đồ" ở lại. Cách đó, hoàn toàn sai. Nếu họ có ý định ở lại, hộ chiếu không phải là giấy tờ hợp lệ để họ có quyền tạm cư. Nhưng khi giữ hộ chiếu sẽ gây rắc rối cho việc đi lại, dẫn đến tình trạng bất ổn cho đương sự. Tốt nhất, khi có người ra nước ngoài, tổ chức đó phải giải thích quyền lợi của họ. Khi gặp những sự việc không may, nơi nào họ có thể tiếp xúc để nhận được sự giúp đỡ. Cách làm việc của các công ty môi giới trong nước, phải được "quản lý" chặt chẽ hơn.
Riêng tại Ðài Loan, tổ chức thiện nguyện của cha Nguyễn Văn Hùng có in một cuốn "Sổ Tay Cho Người Ði Lao Ðộng Tại Ðài Loan". Người lao động đến Ðài Loan làm việc nên có cuốn cẩm nang chỉ dẫn này để khi gặp bất trắc có thể kêu cứu.
Hai tháng qua, tôi suy nghĩ thật nhiều. Làm thế nào để cứu giúp, để xoa dịu những cô dâu, những công nhân Việt Nam bất hạnh. Vết thương lòng tôi như đang rỉ máu. Là người Việt Nam, không ai không đau trước nỗi nhục này. Ở các nước Mã Lai, Ðài Loan, Trung Quốc,... phụ nữ Việt Nam đang bị bày bán, đang bị người ta mua nhau, trả giá, để biến thành "món vật" nô lệ. Nhiều trường hợp mua vợ, giết vợ để lấy tiền bảo hiểm, để thỏa mãn thú tính.
Thiển nghĩ, đã đến lúc chúng ta phải gióng lên tiếng nói của lương tâm, của giống nòi. Chúng tôi tha thiết, những tổ chức, những ai còn quan tâm đến số phận của cô dâu – công nhân Việt đang bị đối xử dã man hãy đưa ra một biện pháp ngăn chặn, và cứu giúp những nạn nhân đáng thương này.
Trên chuyến bay từ HongKong đến Bangkok, khi người nữ tiếp viên loan báo máy bay đang bay ngang không phận Ðà Nẵng, lòng tôi chùng xuống. Trong đêm, bầu trời dầy đặc mây đen, chỉ có vệt sáng của máy bay lao vút đi. Tôi lặng lẽ nhìn xuống lòng đất thân yêu, tưởng tượng ra cảnh sinh hoạt náo nhiệt ở mọi nơi. Dưới đó, những nhánh cây tươi trẻ, xanh mát đâm chồi nẩy lộc vươn lên dưới ánh nắng mặt trời, và những thân cây già nua, héo úa bám lấy gốc rễ đục khoét đồng loại để sống từng ngày này qua ngày khác.
Máy bay vẫn lao đi hun hút trong đêm, buồn bã như chiếc... quan tài bay. Tôi thấy có một điều gì đó rất ấm ức. Một nỗi buồn xâm chiếm tâm hồn tôi.
ĐỖ VĂN TRỌN
Lấy lại từ Blog của LaTraviata Verdi

Thứ Bảy, 10 tháng 1, 2009

MẸ CHẤP NHẬN CHẾT ĐỂ CON ĐƯỢC SỐNG
Đúng một tháng trước khi lìa trần, chị Maria Cristina Cella Mocellin đã viết cho cháu bé Riccardo, con trai yêu dấu của chị, bức thư sau đây:
“Riccardo yêu quý, con là một hồng ân,
Ricardo con yêu, con nên biết rằng con không có mặt trên cõi đời này vì tình cờ. Chính Thiên Chúa muốn con sinh ra, mặc cho bao vấn đề khó khăn. Con sẽ hiểu rằng, thật ra Ba Mẹ chưa nghĩ đến chuyện có thêm một đứa con khác, vì Francesco và Lucia còn nhỏ tuổi. Nhưng khi Ba Mẹ biết rằng con đã đến, thì Ba Mẹ yêu thương con và mong muốn con với trọn sức lực. Mẹ nhớ như in ngày vị bác sĩ nói với Mẹ rằng, cuộc chẩn bệnh cho thấy Mẹ lại bị ung thư tử cung. Phản ứng của Mẹ là lập đi lập lại: “Tôi đang có thai. Tôi đang mang thai. Nhưng mà tôi đang có thai, bác sĩ ạ !” Để vượt thắng nỗi lo sợ lúc bấy giờ, Mẹ được ban cho sức mạnh khác thường là ước muốn có con. Mẹ mạnh mẽ chống đối việc khai trừ con, mạnh đến nỗi vị bác sĩ hiểu ngay và không nói thêm gì cả. Riccardo, con là một hồng ân cho Ba Mẹ”.
Buổi chiều hôm đó, ngồi trên xe từ bệnh viện trở về, khi con chuyển động lần đầu trong bụng Mẹ, con như nói với Mẹ rằng: Cám ơn Mẹ nhé, vì Mẹ đã yêu thương con ! Nhưng làm sao mà không yêu con được ? Con thật quý hóa và khi Mẹ nhìn con và Mẹ thấy con xinh đẹp, liến thoắng và dễ thương như thế này... thì Mẹ thầm nghĩ: “Trên đời, quả là rất đáng chịu đau khổ để có được một đứa con !” Thiên Chúa đổ tràn niềm vui khi ban cho Ba Mẹ ba đứa con xinh xắn mà – nếu Chúa muốn – Ngài sẽ ban ơn cho chúng được lớn lên theo đúng ý Ngài.
Mẹ chỉ biết cám ơn Chúa đã ban cho Ba Mẹ hồng ân lớn lao là có được ba đứa con. Chỉ mình Thiên Chúa biết rõ rằng Ba Mẹ mong muốn có những đứa con khác, nhưng lúc này, lại là chuyện không thể được”.
Thiệp báo tin Maria Cristina Cella Mocellin qua đời không mang màu đen tang chế nhưng được viền màu xanh hy vọng của cây cỏ tươi. Chính giữa nổi bật cánh hoa hồng, đọng những giọt sương mai lóng lánh. Bên trong là di ảnh của Cristina Cella, tươi trẻ, duyên dáng và lộng lẫy trong chiếc áo ngày cưới. Bên dưới bức ảnh là lời nguyện trích từ nhật ký của Cristina lúc còn thiếu nữ: “Lạy Cha, xin dâng Cha niềm vui của con như bài ca chúc tụng Cha. Trái tim con như căn nhà tiếp đón Cha và cuộc đời con để Cha thực hiện điều Cha muốn”.
Và cuộc đời Cristina kết thúc vào năm 26 tuổi. Cristina Cello Mocelli bị ung thư tử cung ác tính năm 18 tuổI, tưởng đã chữa lành. Nàng đã có 2 con: Franscesco ( trai ) lên 4 và Lucia ( gái ) lên 2 và đang có thai đức con thứ ba. Khi bác sĩ báo hung tín, Cristina nói: ”Tôi đang mang thai, bác sĩ ạ”. Vị bác sĩ hiểu ngay: nếu dùng hoá trị liệu, có nghĩa là giết chết bào thai.
Maria Cristina sinh hạ Ricardo vào tháng 8 năm 1994. Ngay sau đó, Cristina mới dùng hoá trị, nhưng đã quá trễ ! Người mẹ trẻ anh dũng trút hơn thở ngày 22.10.1995, để lại 3 con thơ.
Bé Riccardo trông thật kháu khỉnh, vui tươi và hồn nhiên... Cậu bé có mái tóc vàng óng ả và đôi mắt trong xanh. Cậu bé ít được hồng phúc sống cạnh mẹ vì Maria Cristina thường xuyên ra vào bệnh viện hoặc phải ở lại bệnh viện lâu ngày. Nhưng bé Riccardo không quên khuôn mặt dịu hiền của mẹ. Đầu tháng 12 năm 1995, báo chí và truyền hình Ý gợi lại cuộc đời của Maria Cristina Cella như một mẫu gương anh dũng, chấp nhận chết để cứu sống bào thai trong dạ. Khi hình bà Maria Cristina xuất hiện trên màn ảnh, bé Riccardo reo vui giơ tay đòi ẵm: “Má... Má ẵm... Má ẵm con !”
Năm đó bé Lucia lên 3 tuổi. Lucia thắc mắc hỏi anh: “Sao lâu quá không thấy Má về ? Bộ Má vẫn còn đau sao ?” Francesco lên 5 tuổi giải thích với em: “Má đang ở trên Trời. Chúa Giê-su đem Má về Trời với Chúa rồi”. Lucia lại hỏi: “Sao Chúa Giê-su không để Má về đây với mình ? Chúa phải để Má ở đây với mình chớ !” Ông Carlo Mocellin lẳng lặng nghe hai đứa con nhỏ nói chuyện. Giờ ông lên tiếng giải thích. Ông nói với Lucia: “Nhưng Má đang ở với chúng ta mà. Nếu con cất tiếng gọi Má, Má sẽ nghe tiếng con và đến với con, bên cạnh con. Rồi một ngày, tất cả chúng ta sẽ lên Trời ở với Má”.
Carlo Mocellin tỏ ra thật can đảm, xứng đáng với người vợ trẻ anh dũng quá cố. Mặc dầu thương nhớ vợ tha thiết, Carlo luôn giữ thái độ sáng suốt, điềm tĩnh. Ông tâm sự: “Chính Cristina đã chu đáo chuẩn bị tinh thần và sức mạnh cho chúng tôi, để chúng tôi can đảm tiếp tục cuộc hành trình vắng bóng nàng. Chính Cristina đã lôi kéo, thu hút chúng tôi cùng đi vào con đường Đức Tin tuyệt vời của nàng”.
Nữ Tu Berchmans MINH NGUYỆT ( tinvui.net )

CẦU NGUYỆN, CẦU NGUYỆN VÀ CẦU NGUYỆN


Ngày 25 tháng 3 hằng năm, Hội Thánh mừng Lễ Đức Ma-ri-a nhận lời cưu mang Chúa Giê-su làm người, còn phong trào Phò Sự Sống ( Pro-Life ) chọn ngày này làm Ngày Thai Nhi Thế Giới ( The Day of the Unborn Child ). Buổi sáng, bất ngờ một cha già trong cộng đoàn DCCT tại Long Beach, Cali, đưa cho xem một tờ thông tin số tháng 2 và 3 năm 2008 của American Life League ( ALLNews - Website: www.ALL.org – E-Mail: Jbrown@ALL.org, ) một Hội Phò Sự Sống rất lớn và mạnh ở Mỹ.
Theo thông tin chỉ riêng tại Mỹ, từ khi có đạo luật cho tự do phá thai năm 1973 mệnh danh “Roe v. Wade”, tính đến hôm nay đã có tổng cộng 49 triệu thai nhi bị giết, nghĩa là trong 35 năm, mỗi năm trung bình có 1,4 triệu ca phá thai. Năm 2005, năm có số ca phá thai thấp nhất ở Mỹ thì cũng hết sức khủng khiếp: 1,2 triệu ca !
Thông kê chính xác kiểu Mỹ, cập nhật tháng 2 năm 2008, cứ 4 phút thì có 9 em bé không được ra đời, nghĩa là bình quân 26 giây cho một mạng sống, suy ra một ngày có hơn 3.200 vụ giết người... hợp pháp tại Mỹ. Bản tin dùng một từ ngữ đọc mà rùng mình: “The abortion Industry” ( Kỹ nghệ phá thai ). Cuối tờ báo, có hàng chữ to, in đậm: HELP GOD’S CHILDREN LIVE !
Bản tin tường thuật vắn tắt về sự kiện ngày 22.1.2008, một cuộc đi bộ khổng lồ giữa cái giá rét đóng băng mùa đông ngay tại thủ đô Washington của nước Mỹ, với hơn 400.000 người Phò Sự Sống, trong đó chiếm đa số là các bạn trẻ. Họ gọi đó là “Tuần Hành vì Sự Sống” ( March for Life ) để đánh dấu 35 năm tội ác phá thai kể từ khi đạo luật “Roe v. Wade” được biểu quyết.
Xin nói thêm là không phải năm nay mới có nhưng đây là chuyện biểu tình hằng năm, vào đúng ngày 22.1, bắt đầu từ năm 1974 với 20.000 người. Và cứ thế con số tham dự tăng lên hằng năm. Mà không chỉ có tuần hành ở thủ đô, các thành phố lớn tại các tiểu bang của Mỹ cũng đều có tổ chức rất mạnh. Ngay sau khi kết thúc cuộc đi bộ, người ta tràn vào các ngôi Vương Cung Thánh Đường tại địa phương, cùng với các Hồng Y, Giám Mục và Linh Mục, nam nữ Tu Sĩ hiệp dâng Thánh Lễ cầu nguyện cho việc Phò Sự Sống.
Ở một góc khác, có bài về gia đình anh Tim Tebow. Năm 1985, bố mẹ Tim, ông bà Bob và Pam Tebow chuyển sang sinh sống bên Philippines để lo việc truyền giáo. Khi mang thai Tim, bà Pam bị nhiễm vi khuẩn đường ruột ( amoebic dysentery ) rất trầm trọng, phải sử dụng những loại thuốc đặc trị.
Thế là các bác sĩ đã khuyến cáo bà phải phá thai sớm vì bào thai chắc chắn đã bị thuốc làm cho thành dị dạng khuyết tật, có sinh ra cũng không sống được. Gia đình đã quyết định dứt khoát không phá. Và năm 1987, bé Tim Tebow chào đời, to con, mạnh khỏe. Nay thì chàng trai 21 tuổi, cao 6 foot 30 ( 1m92 ) và cân nặng 235 pounds ( hơn 106kg ), là một cầu thủ football nổi tiếng ( xem ảnh kèm theo ).
Khép tờ báo 4 trang khổ lớn lại, độc giả đọc được mục Góc Cầu Nguyện ( Prayer Corner ) hai câu trích sách Công Vụ các Tông Đồ: "Thiên Chúa, Đấng tạo thành vũ trụ và muôn loài trong đó, Đấng làm Chúa Tể trời đất, không ngự trong những đền đài do tay con người làm nên. Người cũng không cần được bàn tay con người phục vụ, như thể Người thiếu thốn cái gì, vì Người ban cho mọi loài sự sống, hơi thở và mọi sự” ( Cv 17, 24 – 25 ).
Đó là chuyện Phò Sự Sống ở bên Mỹ. Ở Việt Nam chúng ta lại quen gọi là Bảo Vệ Sự Sống ( BVSS ). Cách đây mấy mươi năm, các nhà văn thơ CM của ta tự hào là “hễ bước chân ra ngõ là gặp anh hùng”, nhưng nay có lẽ phải sửa lại rằng “hễ chạy xe ra phố là sẽ gặp ngay cơ sở phá thai” ! Chuyện phá thai bên ta qua mặt nước Mỹ từ lâu rồi. Nói như thế không hề có chút mỉa mai cay độc nào, chỉ xót xa đến bật khóc !
Những con số đối chiếu và so sánh sẽ lên tiếng nói những sự thật khủng khiếp: Tỷ lệ phá thai tại Việt Nam bây giờ ngang ngửa với Trung Quốc, còn lâu Mỹ mới cạnh tranh được. Dân số nước Mỹ xấp xỉ 300 triệu, phá thai trung bình mỗi năm 1,4 triệu. Trong khi đó Việt Nam chưa được 90 triệu dân mà phá thai một năm khoảng 3 triệu. Tính nhẩm cũng thấy tỷ lệ gấp 6 lần.
Thống kê ở trên có nói: bên Mỹ cứ 26 giây đồng hồ có một mạng sống bào thai bị chấm dứt thì tính ra bên Việt Nam cứ 4 hoặc 5 giây thôi đã có một em bé tý teo bị giết do chính sách khuyến khích phá thai, thậm chí buộc phá thai nếu không muốn bị mất việc làm, mất tiền thưởng, mất cơ hội thăng tiến địa vị xã hội...
Trong số báo Ephata kỳ này, trong bài suy niệm ĐỒNG HÀNH, tác giả Nguyễn Thế Bài có nêu lên một chứng tá bất ngờ làm anh em DCCT chúng tôi cảm động, đó là cha Amado Picardal, DCCT bên Philippines, ông già 53 tuổi, đã tự tổ chức những chuyến đạp xe đạp hàng ngàn cây số, mỗi ngày dừng lại ở Giáo Xứ nào thì lại xin được dâng Thánh Lễ với giảng về BVSS.
Hay quá ! Tuyệt vời quá ! Tạ ơn Chúa vì những sáng kiến thoạt nghe cứ như trò đùa nghịch ngợm, ngẫm nghĩ lại thì thấy tràn đầy vị tha nhân ái của hàng Giáo Sĩ tận tụy với Hội Thánh, ân cần với tha nhân khốn khổ, mà của đáng tội, có ai khốn khổ cho bằng một người phụ nữ bị dồn đẩy đến việc phải giết chết chính đứa con vô tội bé bỏng của mình...
Ở Việt Nam chúng ta bây giờ chưa thể tổ chức được những cuộc mít-tinh ôn hòa cho hàng trăm ngàn người “đi bộ vì Sự Sống” như bên Mỹ, cũng chưa có các vị Hồng Y và Giám Mục nào mở toang cửa những ngôi Vương Cung Thánh Đường của mình để những người BVSS đến hiệp dâng Thánh Lễ cầu nguyện cho các thai phụ và thai nhi, mà chắc cũng chưa có ông cha bà phước nào có sáng kiến lạ lùng độc đáo như ông cha DCCT bên Phi để đánh động dư luận về BVSS.
Vậy thì ngoài việc vẫn âm thầm vào các bệnh viện để thuyết phục người ta bỏ ý định phá thai; ngoài việc đưa các thai phụ về tạm lánh trong những Ngôi Nhà Tình Thương cho đến khi mẹ tròn con vuông, ngoài việc mỗi ngày đi xin xác các thai nhi về lo hậu sự; ngoài việc đi khắp nơi thuyết trình về phương pháp Tự Quan Sát để sinh sản có trách nhiệm; ngoài việc phát các tờ bướm nói rõ các nguy biến do ngừa thai, phá thai...; chúng ta hãy trở về với một việc hết sức đơn giản nhưng lại hiệu năng vô cùng. Đó là cầu nguyện, cầu nguyện và... cầu nguyện !
Lm. QUANG UY, DCCT, Chúa Nhật 6.4.2008 
GHI CHÚ: Ảnh kèm theo là Tim Tebow, nay là cầu thủ Football nổi tiếng, đã được cha mẹ can đảm quyết định giữ lại sau những khuyến cáo phải phá thai của các bác sĩ.

Thứ Tư, 7 tháng 1, 2009

CÁC BÁC SĨ ĐÁNG TIN CẬY

Quá bức xúc trước tình trạng có quá nhiều y bác sĩ kém tài kém đức hiện nay, một bạn FIATER đã đề nghị FIAT đăng lên những địa chỉ của các bác sĩ có lương tâm và chuyên môn đâu ra đấy, hy vọng mọi người biết được thì có thể yên tâm tìm đến khi cần thiết, sẽ được khám chu đáo và tư vấn đàng hoàng, riêng về khoa Sản, chắc chắn sẽ không xúi giục và ép buộc người ta phá thai !
Vậy xin nêu lên ở đây một số địa chỉ tin cậy, chỉ trân trọng giới thiệu mà không có ý quảng cáo chi cả. Mọi người có thể copy hoặc ghi chép lại ngay, hoặc lưu bộ nhớ điện thoại. Khi liên hệ có thể nói là cha Quang Uy, DCCT giới thiệu.

CÁC BÁC SĨ CÓ THỂ TIN CẬY

  • Bác sĩ Vũ Phan Hoàng Yến ( FIAT ) tư vấn, điện thoại: 0989.041.776, tổng đài 1088.
  • Bác sĩ Phạm Thị Cẩn, điện thoại: 0908.569.164, Phòng Khám Đa Khoa Thiên Phước số 269 Điện Biên Phủ, phường 9, quận 3, Sài-gòn, điện thoại: 9.330.002 - 9.330.003.
  • Bác sĩ Hồ Nữ Băng Giang, điện thoại: 0918.188.701, Phòng Khám Đa Khoa Thiên Phước số 269 Điện Biên Phủ, phường 9, quận 3, Sài-gòn, điện thoại: 9.330.002 - 9.330.003.
  • Bác sĩ Lưu Tuấn Thành, điện thoại: 0908.824.055, Phòng Khám Đa Khoa Tứ An số 58/2 Quốc Lộ 22, gần ngã ba Bùi Môn, huyện Hóc Môn, Sài-gòn, điện thoại: 9.734.948 - 9.734.950
  • Bác sĩ Nguyễn Trọng Dũng, điện thoại: 0918.452.384, khoa Ngoại, bệnh viện Nguyễn Trãi, Khoa Ngoại số 137 / 14 Lạc Long Quân, phường 9, quận Tân Bình, Sài-gòn.
  • Bác sĩ Võ Thị Thanh Thủy, điện thoại: 0908.824.055, khoa Nhi, bệnh viện Đa Khoa Phú Thọ.
  • Bác sĩ Nguyễn Thị Khen, điện thoại nhà: 08.5.150.937, điện thoại phòng mạch: 08.8.336.728
  • Vợ chồng các bác sĩ Trần Minh Thông và Nguyễn Châu Hà, khoa Sản, điện thoại: 0918.202.940 - 08.8.852.842
  • Bác sĩ Nguyễn Thị Mỹ Xuân, điện thoại: 0903.386.515, bệnh viện quận 8, Sài-gòn.
  • Bác sĩ Trương Ngọc Tiến, điện thoại 0903.136.599, bệnh viện Nhiệt Đới, Sài-gòn.
  • Bác sĩ Vũ Trí Tiến, điện thoại: 0913.341.755, Hà Nội.
  • Bác sĩ Nguyễn Lan Hải, tư vấn, điện thoại: 0908.159.507, Sài-gòn.
  • Bác sĩ Nhu Hương, điện thoại: 0918.325.743, Phòng Khám Xóm Mới, Lê Đức Thọ, Gò Vấp, Sài-gòn.
  • Bác sĩ Hoàng Đức Quyền, điện thoại: 0903.741.740, Trung Tâm Y Tế quận Phú Nhuận, Sài-gòn.
  • Vợ chồng các bác sĩ Nguyễn Ngọc Hùng - Nguyễn Thị Thúy, phòng mạch: 40/2 đường số 4, khu phố 3, Tam Phú, Tam Hà, Thủ Đức, Sài-gòn, điện thoại: 08.2.820.919.

“BÊ-LEM ƠI, SAO NGƯƠI BẠC ĐẾN THẾ ?”

“BÊ-LEM ƠI, SAO NGƯƠI BẠC ĐẾN THẾ ?”

Hôm qua, một ngày “đẹp trời”, từ sáng đến chiều, tôi đã phải tiếp ba trường hợp, dĩ nhiên cả ba đều đã bị bỏ rơi khi đang mang trong mình một mầm sống. Tôi tiếp rất nhanh, sau khi hỏi một vài lời tôi gởi về Nhà Tình Thương Giê-ra-đô ngay, nơi chúng tôi đang giúp nuôi những chị em lầm lỡ gặp hoàn cảnh éo le.
Xua đuổi những mệt mỏi đi rồi, tôi giật mình áy náy, có lẽ mình đã quá quen giải quyết công việc đến nỗi có phần máy móc chăng ? Con người mà tôi phải đối diện và thương yêu chứ nào phải là một... cỗ máy vi tính vô hồn vô cảm ? Thế rồi những gương mặt đầm đìa nước mắt hiện ra trong trí tôi, tôi nhủ thầm, ngày mai phải đi thăm Nhà Giê-ra-đo ngay thôi. Cũng đã khá lâu rồi...
Sáng nay, một người quen cũ, rất thân nữa, đã gọi điện cho tôi, vợ chồng chị đang lo chuẩn bị hôn lễ cho con gái, tôi sẽ dâng lễ và chứng hôn trong vài tuần tới. Chị nói trong nỗi đau dằn vặt “chú có cách nào không ? Chúng nó tự thuê nhà riêng và đi lại với nhau, tôi nói không được, con cái bây giờ làm khổ cha mẹ quá chú ơi !”
Những con số thống kê điều tra xã hội nói gì với chúng ta ? Báo Phụ Nữ ra ngày thứ ba, số 94, 4.12.2007, ngay nơi trang nhất có bài “Ac mộng” tuổi teen, tác giả Thùy Dương – Hoài Nhân viết: “Theo số liệu của UBND TP. HCM về việc thực hiện chiến lược dân số giai đoạn 2001 – 2006, tỷ lệ nạo phá thai ở tuổi vị thành niên ( 13 – 19 tuổi ) trước đây chỉ chiếm 5 – 7% tổng số ca, nay đã lên đến 10% và có khả năng sẽ còn tiếp tục tăng”.
Đọc đến đây ắt hẳn có người sẽ lại chép miệng nói chúng tôi rằng, “cứ nhai đi nhai lại chuyện này hoài !” Nhưng xin thú thật với quí vị, nếu ai đó có dịp gặp và đối diện với một người phụ nữ trẻ, thậm chí rất trẻ như bài báo viết là “vị thành niên”, đối diện với một gương mặt đầm đìa nước mắt, đối diện với nỗi sợ hãi, đối diện với những dằn vặt lương tâm, đối diện với nỗi tuyệt vọng… khi ấy, ai có thể cầm được nỗi thương cảm và lòng nuối tiếc cho tuổi thanh xuân, cho một đời người ?
Chẳng phải chúng tôi cứ nhai đi nhai lại chuyện cũ, nhưng nếu nạn nhân của một cuộc bỏ rơi lại là chính người nhà mình, ch đứa con gái mình sinh ra và thương yêu, đứa con gái mà mình hết lòng chăm chút, đứa con gái mà mình mong chờ kỳ vọng... hỏi lúc ấy mình nghĩ gì về thân phận con người, nghĩ gì về xã hội, nghĩ gì về nền giáo dục nước nhà ?
Và nếu tai họa lại rơi vào… chính mình, hỡi những người bạn gái đang đọc những hàng chữ này, các bạn có còn chép miệng bảo rằng chúng tôi cứ nhai đi nhai lại chuyện... “xưa rồi Diễm” không ? Hay chính các bạn và những người thân của các bạn nói rằng: “Nhai đi nhai lại như vậy vẫn chưa ăn thua gì đâu !”
Tôi chưa kịp đi thăm Nhà Giê-ra-đô như lòng đã nhủ, thì lại tiếp tục chao lòng khi bên kia tấm khăn của Tòa Giải Tội lại rung lên cùng với những tiếng nấc nghẹn ngào, vẫn tiếp và còn nhiều nữa những tiếng nấc nghẹn ngào trong nuối tiếc như bài báo đã dự đoán. Chúng ta lại có thể “thất trận” dễ dàng như vậy sao ?
Mấy ngày nay người ta chê trách Ban Huấn Luyện đội bòng đá U.23 Việt Nam, người ta cho rằng Ban Huấn Luyện đã không tìm ra được nhược điểm và không có ngay những khắc phục cần thiết, không tự tìm ra điểm yếu và không điều chỉnh kịp thời, dẫn đến “vỡ trận”. Thế nhưng nếu đội bóng vỡ trận thì chỉ mất huy chương, còn con người bị “vỡ trận” chúng ta mất cả đời người, mất cả thế hệ và mất cả tương lai !
Chỉ còn hơn một tuần nữa là Lễ Giáng Sinh, một Hài Nhi đã sinh ra cho loài người, Chúa đã đến trong thân phận bé nhỏ đơn hèn để lên tiếng về một mầu nhiệm cao cả trong bóng dáng của kiếp người mong manh yếu ớt. Cùng với những lời ca tụng hân hoan chúc mừng của ngày đại lễ, xin gởi đến mọi người lời chia sẻ nỗi băn khoăn và trăn trở về mạng sống của biết bao sinh linh đang bị đe dọa. Bê-lem đã không đón nhận Hài Nhi, nhưng đã có và chỉ có tấm lòng đơn hèn của Giu-se và Ma-ri-a đón nhận bất chấp mọi phi lý của cuộc đời. Xin trao một chút đơn hèn ấy vào lòng mỗi người chúng ta.
Để kết thúc, xin chép lại một đoạn trong bài Thánh Ca “Bê-lem ơi” của cha Nguyễn Khắc Xuyên. Bài hát đã cổ lắm rồi, phải hơn 50 năm, nhưng sao đến đầu thế kỷ 21 rồi mà tâm tình gửi gấm vẫn hết sức thấm thía xót xa, như một lời trách than, như một lời cật vấn:
“Bê-lem ơi, ngươi không biết đêm nay cả một trời vui, thần nhân ca hát ngàn khúc say sưa êm đềm, khác xưa nay thường lệ, ngươi không hay Con Thiên Chúa thương ngươi, chẳng khi nào ngơi, mà ngươi lại ở thật cách xa. Ôi Bê-lem, sao ngươi bạc đến thế ?”
Ôi Sài-gòn, sao ngươi bạc đến thế ? Ôi Hà Nội, sao ngươi bạc đến thế ? Ôi Huế ơi, sao ngươi bạc đến thế ? Ôi Cần Thơ, sao ngươi bạc đến thế ?...
Lm. Vĩnh Sang DCCT, 16.12.2007

BAO NHIÊU SỰ SỐNG ĐANG BỊ GIẾT ĐI ?

BAO NHIÊU SỰ SỐNG ĐANG BỊ GIẾT ĐI ?
Tôi nhớ cách đây mấy năm, có lần về Huế đón Tết, con chó Mực nhà tôi như muốn chào đón cô chủ nhỏ của nó bằng việc sinh tặng cô những con cún con. Mực sinh được 4 con cún.
Nhưng buồn thay, tất cả 4 con cún con đều đã bị chết lưu ngay từ trong bụng Mực. Mực buồn lắm. Ba tôi lẳng lặng đem 4 cái bào thai nho nhỏ ấy đi chôn. Mực nhảy xồm lên, gầm gừ chống cự...
Mấy ngày sau, Mực không ăn, không uống, không vào nhà, mà ra nằm ngay chỗ ba đã chôn lũ cún con của Mực. Suốt ngày, Mực cứ đào đất tìm con, mệt thì Mực nằm xuống đó nghỉ, và rồi lại tiếp tục đào. Đặc biệt, khi quá kiệt sức, Mực luôn nằm vật ra ở tư thế như đang cho đàn con bú.
Tôi mang thức ăn ra cho mực, mắt Mực sưng húp, chắc là Mực đã khóc nhiều lắm. Khóc vì Mực rất yêu con... Nhìn Mực buồn, Tôi cũng buồn lắm, buồn như lòng Mực đang buồn vậy. Tôi cảm nhận thấm thía thế nào là sự mất mát kinh khủng của Mực...
Tôi không muốn so sánh tình yêu giữa con người với nhau và tình yêu của loài vật mà tôi chỉ muốn chia sẻ cảm nhận của mình. Mực là một con vật nhưng lại có một tình mẫu tử thật tuyệt vời. Bằng tình yêu chân thật của một con chó, nó đã làm rung động gia đình tôi và tất cả những ai biết chuyện...
Còn đối với chúng ta thì sao ? Con người là hình ảnh của Thiên Chúa, mà Thiên Chúa là Tình Yêu thì con người cũng phải là Tình Yêu chứ. Tình yêu tự nó đã có một sức mạnh thiêng liêng, thì tôi nghĩ tình yêu mẫu tử sẽ còn mạnh mẽ nhiều hơn nữa.
Vậy tại sao con người ta lại từ khước, lại chối bỏ, lại nỡ giết đi chính huyết nhục của mình ? Tình mẫu tử của con vật mà còn làm rung động được lòng người thì tại sao bao nhiêu sự sống đang bị giết đi, bao nhiêu tình mẫu tử đang bị huỷ diệt trong thảm họa nạo phá thai mà chúng ta lại không ra sức bảo vệ nhỉ ?
BÍCH NGỌC, một sinh viên Y Khoa gốc Huế

BÀI HỌC SỰ SỐNG ĐẾN TỪ MỘT EM BÉ SƠ SINH

 BÀI HỌC SỰ SỐNG ĐẾN TỪ MỘT EM BÉ SƠ SINH
...Câu chuyện tôi sắp kể cho bạn nghe bắt đầu vào tuần thứ 21 của bào thai tôi mang trong dạ. Cho đến lúc ấy, mọi sự diễn tiến bình thường, không có gì rắc rối. Thế rồi mọi sự đảo lộn hết khi tôi đi khám thai và chụp hình bào thai.

Ngày hôm ấy, chồng tôi và tôi, chúng tôi cảm thấy thật hạnh phúc, chen lẫn chút tò mò. Chúng tôi sắp biết tình trạng đứa con như thế nào, kể cả việc nó là trai hay gái. Thật là ngày đặc biệt, chóp đỉnh thời gian vừa trải qua với dẫy đầy xúc động, trĩu nặng hy vọng và mộng ước cho tương lai.

Đùng một cái, tin dữ tung ra: bào thai bé trai của chúng tôi có trái tim không bình thường. Nói khác đi, bé bị tàn tật trầm trọng nơi trái tim ! Một chứng bệnh tim vô cùng rắc rối. Tôi không thể nào diễn tả cho cùng nỗi thất vọng và cái bán tín bán nghi của tôi vào chính lúc ấy.

Vợ chồng tôi bỗng nhiên bị đặt trước tình thế tiến thoái lưỡng nan, trước tin dữ làm thay đổi cuộc sống, y như thể có ai đó bất thình lình làm tắt lịm ánh sáng trên niềm hy vọng của chúng tôi.

Những ngày kế tiếp, chúng tôi ra vào nhà thương liên tục, kể cả việc tìm đến một trung tâm chuyên biệt nằm ngoài thành phố chúng tôi. Thảm thương thay, tất cả mọi khám nghiệm đều xác quyết thai nhi bị tàn tật trầm trọng nơi tim !

Người ta khẳng định với chúng tôi rồi đây đứa bé sẽ có cuộc sống vô cùng cam go, sẽ phải trải qua rất nhiều cuộc giải phẫu. Nhưng các cuộc giải phẫu ấy sẽ không thể nào mang lại cho đứa bé một trái tim bình thường. Nhất là, liệu đứa trẻ sẽ có thể sống sót sau mỗi cuộc giải phẫu hay không ?

Thời gian khốn khó này lại có thêm đạo luật 194 của chính phủ Ý cho phép phá thai, mặc cho thai nhi đã lớn. Làm thế nào bây giờ ? Phải xử sự sao đây ? Đó là câu hỏi duy nhất vợ chồng tôi âu lo đặt ra trong vòng mấy ngày trời ! Thật ra, đáng lý rằng, bậc cha mẹ không bao giờ bị đặt vào tình huống phải quyết định mạng sống của chính đứa con ruột mình !

Chúng tôi hoang mang, hoảng sợ và chần chờ do dự. Trái tim, ruột gan cùng tình thương đứa con trong dạ bảo tôi cứ tiến bước. Nhưng cùng lúc, ý nghĩ gieo rắc đau thương cho con suốt đời và âu lo không biết mình có đủ khả năng đối đầu với một hoàn cảnh quá khó khăn chăng, đã thôi thúc chúng tôi đi đến quyết định phá thai. Nói đúng hơn, tôi bằng lòng cho đặt máy hút bào thai ra khỏi bụng !

Chính quyết định này khiến tôi lê bước đến nhà thương phá thai với con tim tan nát trộn lẫn nỗi xấu hổ thẹn thùng ! Đúng thế, tôi cảm thấy vừa xấu hổ vừa lo sợ, nếu có ai vô tình hỏi tôi làm gì ở đây, tại sao lại có mặt ở đây, thì tôi biết trả lời làm sao ?

Đúng ra quyết định phá thai không đến từ tôi, không phù hợp với bản chất tính tình của tôi. Tôi chỉ biết tự nhủ với lòng như lời tự an ủi: Đây là điều duy nhất phải làm !

Nỗi đau đớn do hành động phá thai gây ra kéo dài suốt ngày hôm đó và cả ngày hôm sau nữa. Đau đớn thể xác và đau đớn tinh thần. Nhưng nỗi đau tinh thần càng khủng khiếp hơn ! Bởi lẽ, tôi tự ý kết liễu cuộc đời của người thân yêu quan trọng nhất đời tôi !

Chỉ có một chút can đảm còn sót lại giúp tôi tiếp tục tiến bước, đó là ý nghĩ tôi làm đúng chuyện phải làm cho con tôi. Ngay giây phút bào thai bị hút ra khỏi dạ, tôi thét lên vì đau đớn và khóc ròng vì buồn sầu. Tôi nghĩ đến đứa con đã tắt thở ! Thế nhưng lạ quá, thay vì trông thấy một xác chết, tôi lại nghe tiếng con khóc và đôi mắt nó mở lớn ! Tôi thét lên: "Trời ơi, con tôi vẫn còn sống sao ?"

Thú thật, tôi không hề được chuẩn bị đối phó với trường hợp đứa con của mình đã bị máy hút ra khỏi bụng mẹ, bị giết chết, lại vẫn còn sống ! Và cũng không rõ phải làm gì trong trường hợp này ! Tất cả những hỗn loạn ấy quay cuồng trong trí khôn và bóp nghẹt trái tim khiến tôi như ngưng thở ! Thật khủng khiếp, khủng khiếp và khủng khiếp ! Tôi chỉ còn duy nhất tư tưởng muốn trông thấy mặt đứa con và nói lời xin lỗi con !

Con trai tôi được chuyển sang một bệnh viện khác chuyên về các trẻ sơ sinh. Tôi tìm mọi cách ở bên cạnh con. Tôi không bao giờ quên hình ảnh đứa trẻ sơ sinh thiếu tháng, lại vô cùng dũng mạnh trong cuộc chiến đấu tranh dành sự sống, cho dù sự sống mỏng manh ngắn ngủi không bằng một đốt ngón tay nhỏ xíu ! Tôi cảm thấy hổ thẹn với lòng mình, bé nhỏ trước sức dũng mạnh của đứa con thơ !

Giờ đây mạng sống bé không bị đe dọa vì trái tim không bình thường – như lời các bác sĩ quả quyết khiến tôi phải phá thai – nhưng trái tim của bé chỉ bị yếu vì sinh thiếu tháng ! Thế thôi ! Đúng là sự thật khủng khiếp, khủng khiếp !

Ai có thể ngờ được rằng một trẻ sơ sinh cân nặng chưa được một kí-lô lại có thể dạy người lớn một bài học vĩ đại trong việc tranh đấu để sống còn ? Suốt đời, tôi sẽ không bao giờ quên hình ảnh đứa con thơ và bài học con để lại. Tôi đã thiếu sót trong bổn phận làm mẹ cũng như thiếu lòng tin cậy nơi bàn tay che chở quan phòng của THIÊN CHÚA !

Cuộc sống ngắn ngủi của con chỉ diễn ra trong vòng chưa đầy một tuần lễ nhưng đã dạy tôi một bài học cao cả về sự sống. Từ đây tôi xin dốc lòng mở rộng trái tim cho yêu thương và cho việc thi hành Thánh Ý THIÊN CHÚA.

"Lạy THIÊN CHÚA, xin lấy lòng nhân hậu xót thương con, mở lượng hải hà xóa tội con đã phạm. Xin rửa con sạch hết lỗi lầm tội lỗi con, xin Ngài thanh tẩy. Vâng, con biết tội mình đã phạm, lỗi lầm cứ ám ảnh ngày đêm. Con đắc tội với Chúa, với một mình Chúa, dám làm điều dữ trái mắt Ngài. Như vậy, Ngài thật công bình khi tuyên án, liêm chính khi xét xử” ( Thánh Vịnh 51, 3 – 6 ).

”IL MASSIMALISMO PER UN IMPEGNO DI VITA”, bản dịch của Sr. Jean Berchmans MINH NGUYỆT

Thứ Hai, 5 tháng 1, 2009

VIẾT CHO LINH HỒN CON GÁI



VIẾT CHO LINH HỒN CON GÁI

Con gái yêu quý của Ba,
Con gái của Ba, Ba viết cho con những dòng này vào dịp sinh nhật của Hoàng Ân, em trai con hôm nay vừa tròn 2 tuổi. Những hồi tưởng về con mà Ba chưa có dịp kể cho em con biết, Ba mong ước những dòng chữ này sau này sẽ thay Ba kể chuyện về con cho em Hoàng Ân, để tình yêu sẽ là một gói hành trang đi vào cuộc sống của em con sau này.
Ngày ấy, ngay khi cả Ba lẫn Mẹ đều chưa biết sự hiện diện của con, thì tai hoạ ập đến cho gia đình mình, Dì ruột của con mất đi đột ngột trong một tai nạn trong lúc Ông Ngoại còn đang hấp hối sau một cơn thổ huyết. Rồi một tháng sau. Ông cũng không còn...
Trong những ngày tang thương ấy, Ba và Mẹ biết tin đã có con như một niềm an ủi lớn lao. Ba đã nhẩy lên vui mừng, trái tim Ba rộn ràng vui sướng...
Thế nhưng niềm vui cũng chỉ đến với Ba được một tuần khi Mẹ con bị băng huyết. Nguy cơ mất con bất cứ lúc nào cứ lơ lửng chập chờn từng ngày từng phút. Lúc ấy con chỉ mới có 8 tuần. Tội nghiệp con của Ba, Ba phải đưa Mẹ đi siêu âm không biết bao lần, không phải để biết con là gái hay trai mà chỉ để biết con có còn tồn tại sau mỗi đợt ra huyết xối xả của Mẹ hay không.
Trái tim Ba đã nhiều lần se thắt nhói đau khi nhìn lên màn hình siêu âm. Đôi chân Ba quỵ xuống mỗi lần Ba vẫn còn trông thấy hình ảnh của con ẩn hiện tồn tại. Niềm vui sướng tột đỉnh vẫn còn có con làm Ba và Mẹ hạnh phúc.
Từ đó, Mẹ nằm hẳn trên giường để giữ con, Tất cả sẽ do Ba phục vụ hết mình trong niềm hạnh phúc mong manh. Chờ đợi...
Thế nhưng, tình trạng của con không khá hơn mà ngày càng trầm trọng. Các bác sĩ nhiều lần nói Ba Mẹ nên bỏ thai, vì có nhiều khả năng thai bị dị tật. Ba Mẹ nhất quyết không nghe. Trong thâm tâm, Ba đã chuẩn bị tinh thần đón nhận bất cứ điều gì xẩy đến với con trong vui vẻ và phó thác.
Khi con được hơn 4 tháng, trong một đợt Ba đi công tác xa nhà, Mẹ đã điện thoại báo cho Ba biết là không thể giữ con được nữa, bác sĩ nói không còn nước ối, con không thể sống trong hoàn cảnh này.
Ba vội vã đi ngay chuyến bay đầu tiên về thẳng bệnh viện. Cả ba lẫn Mẹ vẫn quyết giữ con cho đến phút cuối cùng trong sự bực mình của các vị bác sĩ. Những bịch nước dừa theo lời dặn của các bác sĩ để làm tăng nước ối vẫn không sao làm cho môi trường sống của con cải thiện, mà càng làm cho các cơn băng huyết thêm xối xả, có nguy cơ gây tử vong cho Mẹ con lúc ấy đang dần kiệt quệ. Cuối cùng, các bác sĩ đã chích cho mẹ con đến 2 mũi thuốc mà sau này Ba Mẹ mới biết đó là hai mũi thuốc... giục sanh !
Ôm con trong tay, Ba mới biết con là con gái, con nằm đó bình yên. Ba đã ngồi khóc giữa sân bệnh viện, đau đớn tột cùng. Vậy là Ba đã mất con. Bây giờ Ba còn nhớ, bà bác sĩ có Đạo đã làm tròn lời hứa với Ba Mẹ khi Ba Mẹ nhờ rửa tội cho con dù con đã mất.
Con gái yêu quý, Ba viết ngắn như cuộc đời ngắn ngủi của con, nhưng tình yêu sẽ là vĩnh cửu. Chỉ mấy ngày nữa thôi, cả nhà mình sẽ đến thăm con trong ngày lễ cầu hồn, con nhé. Hãy yên nghỉ giấc ngủ của con, hãy mơ những giấc mơ thiên thần vì mãi mãi Ba Mẹ vẫn yêu con. Và nhớ đến con, Tê-rê-sa Phan Nguyễn Thiên An, mười tám tháng ba năm hai ngàn lẻ tư.
Sinh nhật Hoàng Ân hai tuổi, 23.10.2007

MỘT BÁC SĨ SẼ LÀM GÌ KHI ĐỐI DIỆN VỚI LỆNH... GIẾT NGƯỜI ?


MỘT BÁC SĨ SẼ LÀM GÌ KHI ĐỐI DIỆN VỚI LỆNH... GIẾT NGƯỜI ?
Dưới đây là lời kể của nữ bác sĩ Yin Wong ( Có thể đọc theo âm Hán Việt là Thiên Vương. Chính tác giả đã yêu cầu thay đổi tên vì sợ gia đình bà còn ở lại Trung Quốc có thể bị vạ lây từ lời chứng của bà )
Thật là bận rộn ở một bệnh viện miền nam Trung Quốc vào sáng sớm ngày 24 tháng 12 năm 1989. Với tư cách là một chuyên viên về phụ sản 24 tuổi, tôi phải thực hiện hai ca mở tử cung mà ngành y gọi là thủ thuật César và một ca sinh khó.
Bà bác sĩ trưởng khoa giao cho tôi trực luôn đêm hôm đó: một trách nhiệm vừa mới, vừa sợ đối với tôi. Tôi đã kiệt sức, đã không ăn chút gì trong khoảng 8 giờ qua. Tuy vậy, cuối cùng thì tôi cũng về đến phòng nghỉ vào lúc 1 giờ sáng, nhưng không ăn uống hay thiếp ngủ đi được vì hồi hộp quá.
Thực vậy, tôi nằm trên giường, nghĩ đến 3 cuộc sống mới mà tôi vừa đón chào vào thế giới. Tôi nghĩ đến cha tôi. Ông đã chọn nghề bác sĩ, một nghề mà ở Trung Quốc, tiền lương chưa tới gấp đôi lương của người quét đường. Ông vẫn thường nói: “Công việc cao quý nhất mà một người có thể làm là bảo vệ sự sống.”
Cha tôi là một gương mặt đáng yêu trong thị trấn. Ông nổi tiếng về sự khiêm tốn. Ông mặc quần áo của người lao động, mang dụng cụ trong một cái túi màu tím nho rẻ tiền hư dây khoá kéo. Cái búa cán gỗ thử phản xạ của ông là một cái búa đời cũ. Không muốn vứt nó đi, ông nói với tôi: “Dụng cụ không tạo nên một bác sĩ, sự hiểu biết và lòng trắc ẩn mới làm nên một thầy thuốc.”
Nghĩ lam man rồi thì tôi cũng lơ mơ ngủ. Tôi nhớ đêm nay là đêm Giáng Sinh. Như hàng triệu người Hoa, cha mẹ tôi theo Ki-tô giáo. Tôi nghĩ đến những lần chúng tôi cùng nhau mừng lễ: trang trí một cây thông be bé, hát “Silent Night” – phải thật yên tĩnh, vì hàng xóm có thể trình báo chúng tôi – và nghe cha tôi thì thầm câu chuyện Chúa Hài Nhi. Tôi sẽ điện thoại cho ông vào sáng sớm Sinh Nhật Chúa. Tôi nghĩ thế khi chìm vào giấc ngủ.
Tiếng gõ cửa làm tôi thức giấc, một nữ hộ sinh thường làm việc trong những ca sinh nở hàng ngày gọi tôi: “Đến mau, chúng tôi cần cô giúp đỡ !” Tôi chạy ào theo chị ta, tai nghe tiếng khóc của một hài nhi mới sinh. Đến phòng đẻ, tôi thấy một người đàn bà bê bết trên giường, đang cố gắng ngồi dậy. “Xin đừng ! Xin đừng !”, bà ta la lên giọng miền quê.
Chị nữ hộ sinh là một cô gái đôi mươi, tóc thắt đuôi ngựa, mặt đầy mụn trứng cá, bắt đầu hút iốt từ một chai thủy tinh trong suốt. Chất lỏng vàng nâu chảy theo một cây kim dài hơn 7,5 cm vào cái ống chích lớn. Chị nói với tôi rằng đứa bé đẻ non của người đàn bà kia là đứa bé không được mong đợi. Người mẹ đã mang thai được 8 tháng. Bà ta đã có một con rồi – luật kiểm soát dân số của Trung Quốc cấm không được sinh đứa thứ hai.
Văn phòng Kế Hoạch Hóa Gia Đình địa phương sẽ bắt ép người mẹ vào bệnh viện, tại đây bà sẽ được tiêm Rivanol, một loại thuốc làm sẩy thai – Chị hộ sinh nói: “Nhưng đứa bé mới sinh còn sống”. Tiếng khóc của trẻ sơ sinh từ phòng tắm lạnh lẽo vang cả gian sảnh rộng. Chị hộ sinh nói tiếp: “Em đã xin lệnh chôn nó”. Ngọn đồi nhỏ gần bệnh viện là bãi tha ma vô danh phục vụ cho công việc này. “Nhưng ông ta nói trời đang mưa to quá”.
Lúc này mọi sự đối với tôi thật rõ ràng. Như một bác sĩ sản khoa được giao trách nhiệm, tôi có bổn phận không được để cho đứa bé đẻ non sống sót. Điều đó có nghĩa là 20 ml i-ốt hoặc cồn sẽ được tiêm vào đỉnh sọ mềm của hài nhi. Cái chết sẽ đến sau vài phút.
Chị hộ sinh trao cho tôi cái ống chích. Tôi chết điếng. Tôi không ngập ngừng lưỡng lự đối với việc phá thai ba tháng đầu, nhưng trường hợp này thì khác. Từ khi làm việc ở bệnh viện, tôi luôn luôn xoay sở để các bác sĩ kinh nghiệm hơn thi hành công việc đó.
Trên chiếc giường cạnh đó, mẹ đứa bé nhìn tôi với ánh mắt van lơn. Bà biết cái kim tiêm có nghĩa là gì. Mọi phụ nữ đều biết. Bà ta khóc: “Xin thương xót con tôi !”
Bỏ lại người mẹ vẫn còn đang nài nỉ, tôi đi ngang qua gian sảnh rộng đến phòng tắm. Qua hơi thở, tôi cảm thấy trời thật lạnh. Trong góc phòng tắm là một thùng rác, trên nắp nguệch ngoạc hàng chữ XÁC THAI NHI. Cạnh đó, tôi thấy một chiếc túi đựng rác bằng nhựa đen đang cựa quậy và tiếng khóc phát ra từ bên trong. Qùy xuống, tôi bảo chị hộ sinh mở túi.
Tôi vẫn đinh ninh đây là một trẻ sơ sinh thảm hại, nửa sống nửa chết. Nhưng không phải thế, tôi thấy một bé trai hoàn hảo nặng hơn 2 kg đang múa máy tay chân bé tí của nó, môi tím ngắt vì thiếu dưỡng khí. Nhẹ nhàng, tôi nâng đầu đứa bé bằng một tay và đặt đầu ngón tay kia vào đỉnh đầu mềm mại. Làn da ở đó ấm áp lạ lùng, nhịp nhẹ theo tiếng khóc. Tôi hoảng sợ: đây là sự sống, một con người. Nó sẽ chết trên sàn nhà lạnh lẽo này.
Tiếng người mẹ thét lên thấu qua gian phòng rộng: “Bác sĩ ! Xin đừng, bác sĩ ơi !”
Chị hộ sinh ấn chiếc ống chích vào tay tôi. Nó nặng trĩu. Tôi trấn an chính mình: Đây chỉ là thủ tục thường lệ thôi, đâu có gì là sai trái. Luật pháp bảo phải làm mà. Ngay lúc đó, đứa bé đạp chân, bàn chân nó đẩy nòng ống chích lại gần bụng thật nguy hiểm. Tôi giật lại, thầm nghĩ: đêm nay là đêm Giáng Sinh ! Tôi không thể tin được rằng mình đang làm việc này trong đêm Giáng Sinh !
Tôi chạm ngón tay trỏ vào môi bé. Nó quay đầu lại để bú. Tôi thốt lên: “Nhìn kìa, nó đói, nó muốn sống.” Đứng lên, choáng váng, chiếc ống chích tuột khỏi tay vỡ tan trên sàn nhà, chất lỏng vàng nâu lấm tấm trên giày tôi. Tôi bảo chị hộ sinh mang đứa bé vào phòng sinh, chuẩn bị đưa nó xuống phòng chăm sóc đặc biệt. Tôi nói với chị: “Tôi sẽ xin bác sĩ trưởng khoa chiếu cố đến nó”. Tôi nghĩ rằng một nữ bác sĩ sản khoa hơn 50 tuổi, có hai con, sẽ chẳng bao giờ giết hại trẻ sơ sinh này.
Khi tôi gõ cửa phòng bà thì đã gần 2 giờ sáng. Tiếng bà còn ngái ngủ. Cửa mở, tôi lẹ làng giải thích: “Chúng ta có một bé trai mới sinh còn sống sau một ca sinh ép. Tôi có thể đưa nó vào phòng chăm sóc đặc biệt không ?” – “Tuyệt đối không !” Vẫn còn trên giường, bà tiếp: “Đó là đứa thứ hai !” Tôi cố nài nỉ: “Nhưng nó khoẻ lắm, bà có vui lòng đến xem qua không ?” Lặng đi một chút, bà tức giận trả lời: “Tại sao cô lại đòi hỏi tôi điều này ? Cô biết chính sách chứ !” Thấy bà nổi giận, tôi xin lỗi và khép cửa.
Trong các cuộc họp y bác sĩ, bà thường nhắc nhở chúng tôi chính sách kiểm soát sinh sản quan trọng như thế nào. Thường thì bà nêu lên trường hợp nào đó ở các bệnh viện lân cận, kẻ để cho sinh con sai chủ trương của nhà nước sẽ bị tống giam. Nhưng mới đây xảy ra một vụ tai tiếng liên quan đến nhân viên của bệnh viện chúng tôi.
Ông ta là một người tiều tụy, lầm lì, trạc ngũ tuần. Công việc duy nhất của ông là chôn trẻ sơ sinh. Cứ mỗi đứa ông được trả 30 nhân dân tệ. Một ngày trung bình 4 đứa, ông kiếm được hơn gấp đôi lương bác sĩ. Có một lần tôi hỏi một bạn đồng nghiệp: “Tại sao nhiều thế ?” thì cô ta trả lời: “Bởi vì chẳng có ai muốn làm việc ấy cả”. Khi tôi gạn hỏi thêm, cô ấy bảo rằng trong trường hợp phá thai thất bại, đôi khi ông ta phải chôn luôn những hài nhi còn sống. “Có việc gì đâu, chính sách kiểm soát sinh sản phải được tuân hành !”
Những tuần sau tôi được biết: vừa rồi, sau một ca phá thai, một nữ hộ sinh đã giao thai nhi cho ông ta. Ông để tạm nó ở gầm cầu thang rồi đi ra ngoài. Hài nhi tỉnh lại và khóc ré lên. Một viên công an đến thăm bệnh viện khám phá ra đứa bé và hỏi bà trưởng khoa của tôi. Bà trả lời rằng nó chỉ là đứa bé bất hợp pháp đang chờ đem chôn. Viên sĩ quan xin lỗi vì đã quấy rầy bà.
Thế là trong cuộc họp kế đó, tôi được nghe lời này: “Từ nay không được giao bất kỳ thai nhi còn sống nào cho người chôn cất. Phải cho nó một mũi tiêm”.
Linh tính đưa tôi trở lại phòng sinh. Một người đàn ông với gương mặt nông dân dạn dày sương nắng chụp lấy tay tôi. Ông khẩn khoản van xin: “Thưa bác sĩ, đây là đứa con trai mà chúng tôi hằng mong ước. Xin đừng giết nó !”
Tôi lại xuống đại sảnh rồi vào phòng tắm. Đứa bé vẫn còn nằm trên sàn nhà. Tôi hỏi chị hộ lý: “Tại sao chị không làm điều tôi bảo ?” Chị ta trả lời: “Ai mà nhặt đứa bé này lên.” Chị ta cho rằng một trẻ thơ không được phép sống. Chị ngạc nhiên khi thấy tôi bế em bé lên và vội vã trở về phòng sinh. Tôi đặt bé nằm trong nôi.
Dưới ánh đèn cực tím ấm áp cùng với dưỡng khí đặt vào mũi, chẳng bao lâu tay chân bé trở nên hồng hào. Tôi cẩn thận quấn nó trong một chiếc chăn êm. Chị hộ sinh chuẩn bị một ống chích khác – lần này là cồn – rồi đặt vào một cái khay cạnh chiếc nôi. Người mẹ lại van lơn: “Xin đừng làm thế !” Nắm chặt thành giường, bà cố gắng lê đến gần. Tôi vội đến bên cạnh bà. “Bình tĩnh”, nhẹ nhàng tôi đặt bà nằm xuống, thì thầm vào tai bà: “Tôi không muốn hại con bà, tôi đang cố gắng giúp bà”.
Người mẹ bắt đầu khóc, bà mếu máo: “Cô ơi, tôi đội ơn cô suốt đời” Ngay lúc ấy chị hộ sinh mang đến bản báo cáo trực đêm và hỏi: “Tôi phải ghi sao đây ?” Tôi lặng thinh. Cuối cùng chị nói: “1 giờ 30 – sinh con sống ?” Bản báo cáo phải được cập nhật trước khi chị hộ sinh về nhà. Tôi trả lời cộc lốc: “Không viết gì cả”. Bực tức, chị ta ra về.
Tôi nhìn em bé. Khuôn mặt bầu bĩnh của nó nổi bật giữa làn tóc đen. Tôi nghĩ sự sống này là quà tặng của Thiên Chúa, không ai có quyền lấy nó đi. Ý tưởng ấy trở nên chắc thực đến nỗi tôi có cảm tưởng là có ai đó đã nói với tôi. Tôi ngỡ ngàng: “Thiên Chúa nói với loài người bằng cách này sao ?”
Liên tục hai tiếng đồng hồ, tôi đứng trông nom em bé. Dần dần nó thôi thút thít và buồn ngủ. Cuối cùng, tôi đi gặp bà trưởng khoa lần nữa. Tôi thưa: “Xin lỗi bà, tôi không thể làm việc này. Tôi thấy đây là giết người, tôi không muốn là kẻ sát nhân”. Bà giận dữ: “Thế mà cô tự nhận mình là một bác sĩ sản khoa sao ? Giải quyết ngay lập tức! Đừng làm phiền tôi nữa !”
Tim đập loạn xạ, tôi trở lại phòng sinh. Cậu bé vẫn còn ngủ, nhưng khi tôi chạm đến miệng nó, một lần nữa nó lại ngoảnh đầu đòi bú. Tôi thầm thì: “Đói phải không chú bé ?” Tôi nói mà nước mắt lăn dài trên má. Đột nhiên tôi cảm thấy cô đơn ghê gớm. Tôi nghĩ đến cha tôi. Ông có ủng hộ tôi không ? Không đợi đến sáng, tôi đến điện thoại công cộng ở hành lang. Cả cha mẹ tôi đều nghe những lời tôi thổ lộ: “Con vẫn nghe tiếng Thiên Chúa: ‘Đây là sự sống, con không thể tham dự vào việc giết người’ ”
Có một khoảng thinh lặng dài sau khi tôi nói. Rồi thì có tiếng của cha tôi: “Cha tự hào về con”
Tôi nghe tiếng nấc của mẹ: “Mẹ cũng vậy, nhưng con phải cẩn thận ! Đừng viết vào chữ nào, cũng không làm biên bản gì hết. Có thể Hội Đồng muốn thử thách con.”
Tôi hiểu. Thời Cách Mạng Văn Hoá, khi tôi được tám tuổi, cha tôi đã bị bắt vì cứu sống một viên chức bị coi là phản cách mạng. Cha tôi bị đày về nông thôn, mẹ tôi bị gởi đi lao động nông trường. Đứa em trai 4 tuổi và tôi ở lại với hàng xóm. Đó là những tháng năm gian khổ. Tôi nhớ lại chuyện tra khảo và bỏ đói mẹ tôi từng kể cho tôi. Tôi cảm thấy dao động, không còn cương quyết. Cha tôi nói tiếp thật đơn sơ: “Con là con thơ của Thiên Chúa, hài nhi kia cũng thế, giết nó cũng tương tự như giết chính em trai con”.
Tôi gác máy, vội vàng quay trở lại. Các bà mẹ đang xôn xao. Cửa phòng sinh khóa chặt, cha đứa bé bị giữ lại bên ngoài đang gào thét: “Đừng giết con tôi !” Tôi chạy vào phòng bằng cửa hông. Bà bác sĩ trưởng khoa đang đứng cạnh nôi, một tay cầm ống chích, một tay sờ đầu đứa bé. Chiếc chăn mềm và ống dưỡng khí đã bị gạt ra. Đứa bé đang khóc thét. Tôi la lên và chụp lấy ống chích: “Đừng tiêm !”
Bà trưởng khoa la lên: “Cô đang làm gì vậy ? Cô không chấp hành luật pháp à !” Thay vì sợ hãi, tôi lại thấy an bình: “Hài nhi này vô tội, sao bà lại có thể giết nó ?” Bà há hốc miệng nhìn tôi, hạ giọng cảnh cáo: “Nếu cô còn tiếp tục cứng đầu, cô sẽ không bao giờ được hành nghề y nữa”.
“Tôi thà không làm bác sĩ chứ không phạm tội giết người. Tôi thà mất hết quyền lợi để có đứa con của chính tôi hơn là giết đứa bé này”. Tôi nói thế vì chợt nghĩ rằng: “Tại sao tôi lại không nhận nó làm con nuôi ?” Bà giám sát la lên: “Cô mất trí rồi !” Bà ta bỏ đi. Tôi quấn tã cho bé lần nữa và thay ống ô-xy. Bé nín khóc, hồng hào trở lại.
8 giờ sáng, trưởng phòng hành chính bệnh viện đến làm việc, ông được tường trình mọi chuyện đã xảy ra. Gọi tôi vào văn phòng, ông hỏi: “Tại sao cô không muốn thi hành bổn phận. Họ là bạn cô phải không, hay cô đã nhận tiền của họ ?” Tôi nổi giận: “Ngay cả tiếng địa phương của họ tôi cũng chẳng nói được, còn nếu ông muốn kiếm tiền, tôi có thể giúp ông.”
Ít phút sau, một viên chức cao cấp hơn thuộc văn phòng Kế Hoạch Hoá Gia Đình địa phương bước vào phòng, ông rút tập tài liệu từ cái cặp da đắt tiền ra và bắt đầu đọc bản văn hướng dẫn của địa phương về việc kiểm soát sinh sản: “Kẻ nào cản trở nhân viên Kế Hoạch Hóa Gia Đình thi hành nhiệm vụ sẽ bị trừng trị...”
Đọc xong, ông nhìn tôi, giọng sắc như dao: “Cô có thấy chỗ nào cho phép đứa bé này sống không ?” Tôi đáp: “Không ai trong chúng ta có quyền quyết định điều đó.” Ông ta bắt đầu giận dữ: “Ở đây chúng tôi đang nói về chính sách của nhà nước. Cô đã vi phạm luật pháp !” – “Tôi không cảm thấy như thế.” – “Được”, ông ta dịu giọng, “Cô hãy đi với tôi xuống tiêm cho nó.”“Không !” – “Cô có công nhận là cô phạm luật không, nếu có, tôi có quyền bắt giữ cô ngay bây giờ”
Tuyệt vọng, tôi tìm lối thoát. Tôi bị giữ lại hơn 24 tiếng đồng hồ mà không thể nghĩ ra điều gì sáng sủa. Tôi cảm thấy buồn nôn và trình bày với ông ta một cách yếu ớt: “Lúc đó tôi đã làm xong bổn phận, ca trực của tôi đã hết rồi”. – “Không đúng, cô chưa hoàn tất công việc”. Tôi nói: “Xin ông” rồi bắt đầu khóc. Chân khuỵu xuống, tôi ngã dài trên sàn nhà. Điều cuối cùng tôi nhớ là một màn đen trải rộng trước mắt.
Khi tỉnh lại, tôi thấy mình đang nằm trong phòng nghỉ. Trời hình như đang giữa trưa. Đứa bé ! Tôi choàng dậy chạy đến phòng sinh. Chiếc nôi bé bỏng trống không. Tôi hỏi chị hộ sinh: “Đâu rồi ...?” Chị trả lời, tránh không nhìn tôi: “Cái ông ở kế hoạch hóa gia đình ra lệnh cho chúng tôi tiêm”.
Dù tôi đã cố gắng hết sức, đứa con trai bé bỏng vẫn bị giết !
Bác sĩ YIN WONG
Hơn mười năm qua, các bản tường trình về việc giết hại trẻ sơ sinh một cách hợp pháp tại Trung Quốc đã được đăng tải trên nhiều sách báo, từ Washington Post đến The Wall Street Journal và Tổ chức Ân xá quốc tế. “Những bản tường trình như thế phổ biến và dứt khoát đến độ khó mà ngờ vực”.
Ông John S. Aird, nguyên giám đốc chi nhánh văn phòng Điều Tra Dân Số Hoa Kỳ tại Trung Quốc đã nói như thế. Vậy thì cũng giống như những câu chuyện huỷ diệt hàng loạt đó đây được tiết lộ cho giới truyền thông trong thế chiến thứ hai, những thông điệp này thường bị lãng quên. Cho đến nay, câu chuyện của bác sĩ Yin Wong có lẽ là câu chuyện chi tiết nhất được đăng tải.
Ông Steven W. Mosher giám đốc Trung Tâm Nghiên Cứu Á Châu thuộc Học Viện Claremont bang California nói: “Đây là mặt tối trong chính sách “một con’ của Trung Quốc. Cộng hòa nhân dân Trung Hoa không bao giờ thực sự ra lệnh giết trẻ sơ sinh. Tuy vậy, chính phủ đòi buộc khắt khe các văn phòng Kế Hoạch Hóa Gia Đình địa phương phải hướng dẫn thực hiện những hành động không thể nói ra này mà không được thoái thác.”
Tháng 9 năm 1995, Bắc Kinh đăng cai Hội Nghị Thế Giới lần thứ tư của Liên Hiệp Quốc về Phụ Nữ. Hội nghị tập hợp hàng trăm chuyên gia về kiểm soát dân số từ khắp thế giới. Mỉa mai và cay đắng thay, tổ chức này đã hẹn gặp nhau ở một quốc gia kiểm soát dân số một cách quá khích. Sự kiểm soát này phải được diễn tả như là tội ác chống nhân loại.
Vì dám cưỡng lại chính sách kế hoạch hóa gia đình của Trung Quốc, bác sĩ Yin Wong bị đày tới một vùng núi xa xôi. Cuối cùng cô đào thoát sang Mỹ và xin tỵ nạn chính trị. Cô nói:
“Tôi gặp may vì giờ đây tôi đang sống trong một xứ sở không ép buộc tôi làm trái lương tâm. Các bạn đồng nghiệp của tôi ở Trung Quốc không được may mắn như vậy. Điều tệ hại nhất là cách người ta đã dùng để huỷ hoại tâm hồn họ.”

Lm. NGUYỄN MINH ĐỨC, DCCT, dịch từ “A Question of Duty”, Reader’s Digest 9.1995

GHI CHÚ: Các bạn có thể "nghe" bài FIAT 398 này ở địa chỉ: http://www.trungtammucvudcct.com/web/baovesusong.php?id=36

BẤT TRẮC “ĂN CƠM TRƯỚC KẺNG”


BẤT TRẮC “ĂN CƠM TRƯỚC KẺNG”
"Đến giờ, em đã một lần nạo phá thai và sáu lần hút điều hòa. Một năm nay em cố tình “thả” vì muốn có một đứa con và cũng để gây áp lực với anh ấy và gia đình. Thế nhưng bác sĩ bảo em không thể có con được nữa”, Hoa chua xót kể.
Hoa chỉ là một trong số nhiều bạn gái trẻ ở tuổi mười tám, đôi mươi băn khoăn trước những tình huống éo le sau cuộc tình kết thúc không có hậu.
Những câu hỏi ngây ngô thường thấy ở các trung tâm tư vấn tình yêu, hôn nhân và gia đình là: “Anh ấy nói rằng rất thương em, hứa sẽ tiến tới hôn nhân, nhưng khi em đã “cho” rồi anh ấy nói không thể cưới em được !”; “Cô ơi, có nơi nào vá màng trinh được không cô ?”; “Em đã lỡ có thai rồi bây giờ làm sao, có nên báo cho cha mẹ biết ? Ôi, cha mẹ em mà biết chắc giết em chết”; “Anh ấy bỏ mặc em với cái bào thai, em có kiện thưa gì được không ?”...
Có biết bao câu hỏi tội nghiệp mà phương cách giải quyết, khắc phục hậu quả thì không dễ dàng chút nào. Có rất nhiều câu chuyện đau lòng bắt đầu từ việc quá dễ “cho” để giữ người yêu. Hoa, quê ở miền Trung vào Sài-gòn học nghề may là một trường hợp như thế. Nơi đất khách quê người, Hoa đã quen một anh bạn đang học đại học.
Hoa kể, vì yêu nhau tha thiết và người yêu hứa khi ra trường sẽ cưới nên cô đồng ý cho cả những gì quý nhất của đời con gái để mong giữ được chàng. Thế nhưng, khi ra trường có công ăn việc làm đàng hoàng, người ấy lại bảo: “Thương em thì thương lắm, nhưng chuyện cưới xin thì chưa thể được !”
Gần đây, anh chàng lại quen với một bạn gái khác cùng công ty trong khi vẫn lui tới với cô. “Tính đến giờ, em đã một lần nạo phá thai và sáu lần hút điều hòa. Một năm nay em cố tình “thả” cho có thai với mong muốn có một đứa con và cũng để gây áp lực với ảnh và cả gia đình anh ấy. Thế nhưng bác sĩ bảo em không thể có con được nữa”, Hoa chua xót.
Qua thực tế, các nhà tư vấn biết nhiều bạn gái trẻ ở tuổi mười tám, đôi mươi băn khoăn không biết xử trí thế nào trước “hăm dọa nghỉ chơi” của người mình yêu, nếu không “chiều” anh ta.
Đó không phải là trường hợp cá biệt. Thảo, 24 tuổi ở quận Tân Bình, Sài-gòn, tâm sự, cô và Mạnh, người yêu quen nhau thuở còn là sinh viên và dự định tiến tới hôn nhân. Vậy mà sau khi ra trường đi làm ở một công ty nước ngoài, anh ấy quen cô bạn đồng nghiệp và không còn quan tâm gì đến cô nữa.
Ghen tức, đau khổ và cũng vì muốn giữ anh ta cho bằng được nên nhân một chuyến đi picnic, Thảo đã cố tình để cho... chuyện xảy ra. Thảo nghĩ cái bào thai gần ba tháng là cách gây áp lực hữu hiệu với Mạnh. Thế nhưng khi nghe cô thông báo, anh đã gạt phăng đi.
Còn Ngọc Nga, 20 tuổi ( quận 10, Sài-gòn ), lại kể: “Những lúc anh vuốt ve, mơn trớn, em đều cảnh giác, can ngăn, nhưng anh nói trước sau gì em cũng là vợ anh, em không “chiều”' cũng sẽ có người khác “chiều”. Sợ mất anh ấy nên đã vài lần em “quan hệ”.
Trên thực tế, không ít trường hợp quan hệ tình dục quá sớm đã dẫn đến tan vỡ vì họ còn quá trẻ. Hoặc nếu có tiến tới hôn nhân thì lễ cưới diễn ra chỉ là hình thức, chỉ để cha mẹ đỡ... nhục, hoặc chỉ để đối phó với dư luận, họ hàng.
Đối với những bạn gái quan hệ tình dục trước hôn nhân nếu có gây được áp lực, họ sẽ rơi vào tình trạng miễn cưỡng phải lấy nhau. Thực tế cho thấy, “tuổi thọ” của các đôi vợ chồng này cũng không cao.
Những sinh viên, thanh niên, công nhân xa nhà vào thành phố học tập, làm việc... thường thiếu thốn tình cảm và các điều kiện vật chất khiến họ phải nương tựa vào nhau. Rồi họ yêu nhau, đôi khi như một nhu cầu, có cơm ăn, có áo mặc thì cũng cần có người quan tâm, chăm sóc, chở đi chơi vào những ngày cuối tuần, ngày lễ, tết...
Ngày nay tuy thái độ của dư luận đối với những đôi tình nhân “ăn cơm trước kẻng” có độ lượng và khoan dung hơn trước nhưng nói chung xã hội cũng không dễ chấp nhận chuyện tình dục trước hôn nhân. Ở đây không hẳn là vấn đề đạo đức xã hội mà vì sự nguy hiểm và nhiều bất trắc của nó. Lỡ không đến được với nhau thì người con gái sẽ phải đương đầu và chịu đựng tất cả...
 Theo báo NGƯỜI LAO ĐỘNG
 

BẢO VỆ SỰ SỐNG © 2008. Design By: SkinCorner